“Nợ” tiêu chí khó
Nhà ở dân cư là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thêm khang trang, đổi mới. Tuy nhiên, đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện, nhất là đối với các xã vùng cao, vùng khó khăn... Ông Chềnh Văn Chềnh, thôn Khe Lọng Trong, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ chỉ mong ước có một căn nhà mới. “Ngôi nhà của tôi xây từ những năm 80 bằng gạch đất, bây giờ đã dột nát và nứt vỡ nhiều chỗ, rất nguy hiểm. Kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào người con trai đi làm thuê và vài ba con lợn vợ chồng tôi chăn nuôi, không đủ để sửa chữa hay xây mới”. Thực tế, ở Ba Chẽ, chỉ có 2/7 xã là Lương Mông và Thanh Lâm đạt tiêu chí này, chiếm 29%, thấp nhất trong toàn tỉnh, tiếp đến là Bình Liêu, chỉ đạt 57%.
Theo Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu Lê Thị Thu Hương, nhà ở của người dân hiện nay phần lớn làm bằng gỗ, đất, mái tranh lợp bằng lá hoặc ngói đã cũ. Không những thế, dân cư ở đây phân bố rải rác, không đồng đều nên việc xây dựng nhà ở thiếu quy hoạch cụ thể, không có thiết kế mẫu theo quy định. Một số nhà dân ở xa trung tâm, đường đồi núi khiến vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng khó khăn. Ngoài ra, điều kiện kinh tế của người dân vùng cao còn thấp, không đủ kinh phí để xây dựng.
Bên cạnh đó, tiêu chí về hộ nghèo cũng là “nợ khó đòi”, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ về đích NTM của nhiều địa phương. Mặc dù trong những năm qua, số hộ thoát nghèo liên tục tăng, thậm chí vượt kế hoạch nhưng nhìn chung tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao. Ở Bình Liêu, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở mức 28,24%, nguy cơ tái nghèo vẫn hiện hữu. Nguyên nhân là do hình thức sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất còn hạn chế. Phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, gia trại chưa tích cực. Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa tích cực tham gia hưởng ứng những chủ trương, nhiệm vụ xây dựng NTM như phát triển sản xuất, giảm nghèo, đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn, xây dựng thôn mẫu, vườn mẫu... Từ tỷ lệ hộ nghèo cao, kéo theo tiêu chí thu nhập ở các địa phương này thấp. Trong đó, Bình Liêu là địa phương có tỷ lệ xã đạt tiêu chí thu nhập thấp nhất toàn tỉnh, là 29%; tiếp đến là Ba Chẽ với 43%. Đây cũng là một trong những tiêu chí có tỷ lệ địa phương hoàn thành thấp nhất, chỉ đạt 77,5%.
Mô hình trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao ở Hoành Bồ.
Ngoài ra, tiêu chí về môi trường cũng làm khó các địa phương trong quá trình về đích NTM. Các hoạt động gây suy giảm môi trường vẫn còn tồn tại: Tỷ lệ hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh cơ bản (nhà vệ sinh, nhà tắm, bể nước) còn thấp, nếp sống sinh hoạt lạc hậu của người dân chưa được xóa bỏ. Không những thế, chuồng trại chăn nuôi của hộ gia đình không có hệ thống xử lý chất thải đầy đủ, đúng quy cách. Chất thải, nước thải ở trung tâm và khu dân cư vẫn xả thẳng ra môi trường, chưa được xử lý triệt để. Một số hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, tổ chức hời hợt, phong trào. Từ đó, kéo theo tỷ lệ các xã đạt tiêu chí về môi trường thấp nhất trong 19 tiêu chí, chỉ đạt 73%. Như ở Bình Liêu, tỷ lệ này là 14%, Hoành Bồ là 50%, Tiên Yên là 55%...
Khó tiêu chí nào, rào tiêu chí ấy
Trong “cuộc đua” về đích NTM, các địa phương vùng cao đang nỗ lực và đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể, cũng như quyết tâm thực hiện đa dạng giải pháp, khắc phục tiêu chí khó. Như ở Bình Liêu đặt ra mục tiêu trung bình toàn huyện đạt 16-17/19 tiêu chí, 46-47/53 chỉ tiêu. Trong đó, xác định thu nhập là một trong những tiêu chí cứng, ảnh hưởng đến nhiều tiêu chí khác, Bình Liêu đã tập trung vào việc hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo “cần câu” hiệu quả cho người dân. Cụ thể, sử dụng nguồn vốn đúng mục tiêu, phân bổ vốn kịp thời, đồng thời chủ động hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục, tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, các phòng, ban, đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn giai đoạn 2016-2020 như: Chính sách phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2016-2020; chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 và các chính sách thuộc chương trình 135...
Công an huyện Bình Liêu hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo ở xã Đồng Tâm.
Ở cấp tỉnh, ưu tiên hàng đầu chính là tập trung nguồn lực cho các xã, huyện có lộ trình về đích giai đoạn 2019-2020. Trong đó, phân bổ và kêu gọi nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ các địa phương hoàn thành tiêu chí khó về nhà ở, hạ tầng, thu nhập, môi trường... Nhất là, đầu tư hạ tầng thiết yếu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất trên địa bàn các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn như: Cấp nước sạch, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý chất thải rắn, nước sinh hoạt ở các khu dân cư tập trung.
Người dân xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ tham gia vệ sinh môi trường.
Theo Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh Vũ Thành Long, để về đích NTM, người dân chính là nhân tố quyết định trong việc thực hiện các tiêu chí và chỉ tiêu. Vì vậy, công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức cộng đồng phải được chú trọng để người dân hiểu, đồng hành và tự nguyện tham gia. Các đơn vị cũng cần thường xuyên điều tra, lấy ý kiến của người dân về xây dựng NTM để có sự điều chỉnh phù hợp và đáp ứng kịp thời. Bên cạnh đó, Ban Xây dựng NTM tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình, nhất là trong công tác phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Cũng như, đồng hành cùng địa phương, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Từ đó, giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí khó, về đích NTM đúng lộ trình.
Theo Quangninh.gov.vn