Mục đích của tổng kết 10 năm thưc hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân nhằm đánh giá toàn diện, trong đó, tập trung đánh giá những mặt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình; đề xuất các nguyên tắc, chủ trương, cơ chế, chính sách và giải pháp chủ yếu triển khai Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030.
Theo đó, cấp thành phố, các sở, ban, ngành chủ trì các nội dung thành phần của chương trình tổ chức đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nội dung thành phần của chương trình giai đoạn 2010 - 2020 và theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã, huyện NTM; đề xuất mục tiêu, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ và định hướng thực hiện trong giai đoạn sau 2020; gửi báo cáo tổng kết về Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy trước ngày 20/7/2019 để tổng hợp; thời gian tổ chức Hội nghị xong trước ngày 10/8/2019.
Thành phố Hà Nội yêu cầu Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Thành phố tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy tổ chức hội nghị toàn Thành phố tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2020; mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng thực hiện trong giai đoạn sau 2020; thời gian tổ chức hội nghị đầu tháng 9/2019.
Các sở, ngành Thành phố báo cáo tổng kết 10 năm đối với lĩnh vực ngành mình quản lý thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”; mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng thực hiện trong giai đoạn sau 2020 gửi về Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy trước ngày 20/7/2019 để tổng hợp.
Các huyện, thị xã tổ chức Hội nghị tổng kết tại huyện, thị xã. Đồng thời, xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình giai đoạn 2010 - 2020; mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng thực hiện trong giai đoạn sau 2020 gửi về Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy trước ngày 20/7/2019 để tổng hợp. Tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình tại địa phương, thời gian xong trước ngày 10/8/2019.
Trong những năm qua, mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tập trung hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Để đạt kết quả này, Hà Nội đã chuẩn bị nguồn lực cả về vật chất và tinh thần, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM. Trong các khâu thì dồn điền, đổi thửa luôn là một trong những khâu có nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm và cách làm hợp lý, đến nay, toàn thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa đạt vượt mức so với kế hoạch. Việc dồn điền, đổi thửa thành công mở ra điều kiện cho mở rộng quy mô canh tác và canh tác tập trung, qua đó vừa giảm chi phí, vừa nâng cao hiệu suất đất trồng trọt.
Đi liền vận động dồn điển, đổi thửa, Hà Nội tập trung đẩy nhanh cấp quyền sử dụng đất, tạo tâm lý yên tâm cho bà con về mảnh ruộng mới của mình, đồng thời cũng là cơ sở để đẩy mạnh liên kết trong hợp tác sản xuất. Đây chính là nền tảng cho nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành theo mô hình “4 nhà”, “6 nhà” đi vào thôn, xã và hộ nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
Thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, vì vậy được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Sau khi các địa phương hoàn thành xây dựng NTM, nhiều nơi tiếp tục phấn đấu duy trì kết quả đạt được, xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao các tiêu chí; điển hình như phong trào “Đường có hoa, nhà có số, phố có tên” của các huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên... Tuy nhiên, trên thực tế chưa có hướng dẫn cụ thể từ thành phố cũng như Trung ương về việc tiếp tục xây dựng NTM theo hướng nâng cao các tiêu chí. Nên trong thực tiễn triển triển khai có những vướng mắc, nên tập trung vào tiêu chí nào, mức độ bao nhiêu, trong khi nguồn lực cũng còn có hạn.
Theo Chinhphu.vn