Nông thôn mới cũng đồng nghĩa cuộc sống mới trên cơ sở cập nhật thông tin, tiếp cận và nắm bắt những cơ hội từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại đem lại (tỷ lệ sử dụng internet, mật độ doanh nghiệp, các tiêu chuẩn quản trị sản xuất nông nghiệp tiên tiến, chỉ số thương mại và thị trường nhất là thương mại điện tử để sản xuất gắn với tiêu dùng).
Đây là một trong những nội dung trong thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Cũng tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực sự hành động vì dân với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch với lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nội dung của Chương trình theo Quyết định 1600/QĐ-TTg; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 398/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ chế đủ mạnh để khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương cần rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả; xây dựng tiêu chí nông thôn mới ở mức cao hơn cho các xã, huyện ở các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông mới giai đoạn 2010 - 2015; có các cơ chế, chính sách thích hợp và đủ mạnh để thực sự khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn; tăng cường các giải pháp để bảo đảm hỗ trợ các huyện, xã khó khăn có số tiêu chí đạt còn thấp; quan tâm các tiêu chí giảm nghèo, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; việc công nhận, khen thưởng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới phải thực chất, khách quan, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, tránh chạy theo thành tích.
Xây dựng nông thôn mới với mục đích cuối cùng là nâng cao cuộc sống, nhu nhập của người dân nông thôn, vì vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, nhất là việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm; giải pháp hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hoá lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và cấp quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Đồng thời chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn từng vùng, miền; chú trọng nâng cao chất lượng các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu gắn liền với đô thị văn minh; cần tập trung vào các tiêu chí môi trường nhằm khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng nguy hại đến đời sống của người dân nông thôn, nhất là ở các vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đối khí hậu.
Đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng nông thôn mới
Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình thông qua các hình thức lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; về nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngoài nguồn vốn đã được Quốc hội bố trí, trong quá trình thực hiện Chính phủ sẽ tìm nguồn lực khác, kể cả vốn vay quốc tế để tăng thêm cho Chương trình.
Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao; giải pháp khắc phục, hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trên địa bàn nông thôn, công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do hội đồng nhân dân cấp xã thông qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, kiện toàn năng lực bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức giỏi về chuyên môn, tâm huyết để đáp ứng yêu cầu công việc nhưng đảm bảo nguyên tắc không phát sinh biên chế của từng cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới. Định kỳ, tổ chức điều tra về sự hài lòng của người dân đối với tiến độ và kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo chinhphu.vn