Huyện Gia Lâm: Phát triển kinh tế từng bước vững chắc gắn với xây dựng Nông thôn mới

Thứ tư, 23/03/2016 14:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Giai đoạn 2010-2015, kinh tế huyện Gia Lâm tiếp tục phát triển và đạt những thành tựu quan trọng, các mục tiêu về phát triển kinh tế cơ bản hoàn thành. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành huyện Nông thôn mới trong năm 2016.

Trong thời gian qua, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu thuộc huyện quản lý tăng bình quân hàng năm 11,3%, trong đó, năm 2011, tăng 13,62% so với năm 2010; năm 2012, tăng 11,77%; năm 2013 tăng 13,58%; năm 2014 tăng 9,81%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng Công nghiệp, Thương mại - dịch vụ tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm mạnh, trong đó: Công nghiệp - xây dựng: 51,81%; Thương mại, dịch vụ: 34,6%; Nông lâm nghiệp, thủy sản: 13,59%.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân hàng năm 11,24%. Các ngành nghề truyền thống được mở rộng và phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong ngành kinh tế. Một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện có thế mạnh như sản xuất gốm sứ, sản phẩm từ da, chế biến gỗ, dược liệu… được duy trì và phát triển. Các làng nghề truyền thống vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động và ngày càng khẳng định được uy tín và thương hiệu trên thị trường.

Ngành thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh với giá trị sản xuất tăng bình quân đạt 15,38%/năm… Mạng lưới chợ dân sinh tiếp tục được đầu tư xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh. Đến nay, đã có 20/22 xã, thị trấn có chợ dân sinh. Các siêu thị được đầu tư hàng trăm tỷ đồng bằng vốn của các doanh nghiệp đi vào hoạt động khá hiệu quả như Siêu thị Hapro Trâu Qùy, Yên Viên; siêu thị Ladoda… Công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu các làng nghề truyền thống như: gốm sứ Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan, may da và quỳ vàng Kiêu Kỵ được tăng cường…

Cùng với đó, sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản được chú trọng: Lĩnh vực nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái; một số đề án phát triển nông nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; kinh tế trang trại phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác hỗ trợ sản xuất được quan tâm với kinh phí trên 13 tỷ đồng…Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 1,66%/năm. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt 11.000 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản đến năm 2015 ước đạt 208,6 triệu đồng/ha canh tác, tăng 48,6 triệu đồng/ha so với kế hoạch đề ra. Diện tích trồng lúa giảm dần, chủ yếu sử dụng giống chất lượng cao (chiếm 75% diện tích). Diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao ngày càng tăng so với trước năm 2011 như: cây rau (1.347ha, tăng 392ha), cây ăn hoa, quả, cây cảnh (1.019ha, tăng 400ha), giá trị thu nhập đạt 300-500 triệu đồng/ha...

Song song với phát triển kinh tế, huyện Gia Lâm cũng tập trung xây dựng NTM và đã huy động được 1.542 tỷ đồng vốn. Đến tháng 12/2015, đã có 15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 5 xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ trên 14 tiêu chí trở lên. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư và nâng cấp. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần của nông dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 32,7 triệu đồng/năm…

Mặc dù vậy, giai đoạn 2010-2015, huyện cũng gặp phải một số khó khăn, tồn tại: Kinh tế tăng trưởng chậm và phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác tổ chức thực hiện Chương trình và các đề án phát triển kinh tế còn hạn chế. Một số mục tiêu cụ thể trong chương trình và các đề án chưa được tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi gắn với thực hiện quy hoạch vùng sản xuất còn chậm. Một số phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn còn sai mục đích, hiệu quả thấp. Trong xây dựng NTM, việc triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch dồn điền đổi thửa còn chậm tiến độ, quá trình thực hiện còn thiếu chủ động, lúng túng. Nhiều vấn đề phát sinh chưa được tập trung giải quyết kịp thời dẫn tới người dân không nhận ruộng, ruộng đất bỏ hoang, tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến kết quả chung.

Vì vậy, trong giai đoạn 2015-2020, huyện Gia Lâm đã đặt một số chỉ tiêu chủ yếu: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng bình quân: 11-12%; Cơ cấu kinh tế thuộc huyện quản lý đến năm 2020: Công nghiệp- XDCB chiếm: 52,6%; Thương mại- Dịch vụ chiếm: 36,14%; Nông nghiệp- Thủy sản chiếm: 11,26%; Giá trị sản xuất nông nghiệp/ha > 250 triệu đồng; Tổng thu ngân sách huyện > 1.660 tỷ đồng/năm; Duy tri và hoàn thành xã đạt chuẩn NTM: 100%. Huyện Gia Lâm đạt chuẩn NTM: năm 2016.

Để đạt được các mục tiêu trên, huyện sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch trọng tâm phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo vùng quy hoạch. Phát triển các loại hình trang trại tổng hợp và chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đối với những vùng đất trũng, vùng trồng lúa kém hiệu quả. Quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao đối với một số cây trồng, vật nuôi...


Theo hanoi.gov.vn

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)