Quy hoạch nông thôn mới trong bối cảnh đô thị hóa tại TP.Hồ Chí Minh

Thứ năm, 25/05/2017 15:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Tổng quan về tình hình Quy hoạch nông thôn mới trong bối cảnh đô thị hóa tại TP.HCM

Cùng với cả nước, theo chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) công tác quy hoạch nông thôn mới được chính quyền địa phương triển khai rộng khắp các địa bàn các xã nông thôn kể từ năm 2012 – ngay sau thời điểm thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNN&PTNT-BTN&MT ban hành ngày 28/10/2011 quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Với thực trạng đô thị hóa tại TP.HCM rất cao, các huyện vùng ven luôn trong tình trạng đô thị hóa nông thôn. Hình ảnh nông thôn tại TP.HCM cũng có những đặc điểm khác biệt so với các nơi. Công tác quy hoạch nông thôn mới (NTM) luôn phải gắn với thực trạng biến động đất đai từng ngày. Quy hoạch NTM trong bối cảnh đô thị hóa tại TP.HCM nói chung và tại huyện Bình Chánh (phía Nam TP.HCM, giáp ranh tỉnh Long An) là một nội dung cần giải quyết phù hợp.

2. Quy hoạch nông thôn mới tại huyện Bình Chánh TP.HCM trong bối cảnh đô thị hóa

Tại vùng ven phía Nam TP.HCM, giáp ranh với tỉnh Long An, quy hoạch nông thôn được chú trọng để đảm bảo “mảng xanh nông thôn” của thành phố. Tuy nhiên, với định hướng của thành phố, di dời các nhà máy sản xuất trong nội đô ra ngoài vùng ven, do đó các huyện nông thôn của thành phố nói chung và tại huyện Bình Chánh nói riêng lại có cơ cấu kinh tế là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…rồi sau cùng mới là nông nghiệp. Theo đó, dân cư đô thị cũng chiếm tỷ lệ cao 730 ngàn dân trong tổng số 850 ngàn dân.

Người dân dần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp. Đất nông nghiệp không được canh tác sản xuất nông nghiệp mà thay vào đó là để cho thuê kho bãi, nhà xưởng…

Mặc dù, định hướng quy hoạch của thành phố cũng đã xác định các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật khá cao theo hướng chỉ tiêu đô thị như điện 2000 kwh/người/năm; nước 180 lít/người/ngày (quyết định quy hoạch chung xây dựng huyện Bình Chánh số 6013/QĐ-UBND của UBND TP ký ngày 26/11/2012), thế nhưng với nhu cầu phát triển theo hình thức phi nông nghiệp như hiện nay, nhu cầu sử dụng điện, nước luôn tăng cao ngoài tính toán trong định hướng quy hoạch.

Nếu như chính quyền thành phố kiểm soát tốc độ đô thị hóa vùng huyện Bình Chánh theo hướng “giữ nông thôn” hạn chế phát triển các khu dân cư…đất rừng, đất lúa phải được kiểm soát từng mét vuông, thì các khu vực giáp ranh thuộc tỉnh Long An lại tranh thủ đô thị hóa với hàng loạt các khu dân cư, cụm công nghiệp…

Cụ tể, tại vị trí giáp ranh huyện Bình Chánh – thị trấn Cần Giuộc, H.Cần Giuộc, tỉnh Long An, với vị trí thuận lợi giáp ranh TP.HCM về phía Nam, cách trung tâm thành phố không quá 30km, tốc độ đô thị hóa tại Cần Giuộc còn cao hơn nhiều lần so với vùng ven TP.HCM thuộc địa bàn huyện Bình Chánh.

Hành lang pháp lý cho công tác lập quy hoạch nông thôn đã được cụ thể trong Luật Xây dựng, nghị định, thông tư… Sổ tay hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Bộ Xây dựng cũng ban hành quy chuẩn kỹ thuật QCVN 14:2009/BXD, Quy hoạch xây dựng nông thôn.

Thế nhưng, với tình hình gắn liền với thực trạng đô thị hóa ngày càng gia tăng. Công tác quy hoạch NTM luôn được đón đầu theo quy chuẩn kỹ thuật dành cho đô thị. Cụ thể, đối với hạ tầng kỹ thuật đường giao thông đều được tính theo tiêu chuẩn đường đô thị với lòng đường lớn hơn 2 làn xe (đảm bảo trên 7,5m) và vỉa hè lớn hơn 3m, hầu như các đường giao thông được quy hoạch mới đều đảm bảo nhỏ nhất lớn hơn 13,5m.

Cụ thể, tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh có quy mô dân số khoảng 20.000 người, bao gồm 06 ấp có diện tích 1.297,44ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 1.056,4ha, chiếm 81,42% diện tích tự nhiên.

Theo định hướng quy hoạch xã chỉ còn 224,32ha đất nông nghiệp chiếm 17,3% tổng diện tích tự nhiên. Mức độ đô thị hóa của xã ngày càng cao, đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn được phê duyệt theo quyết định số 6679/QĐ-UBND ngày 29/10/2013 của UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM được định hướng vận dụng theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn quy hoạch đô thị, cụ thể như đối với hạ tầng xã hội: ngoài các trụ sở cơ quan hành chính, thì nhà văn hóa, trường học, trạm y tế…đều được tính toán quy mô theo QCVN. QHXD 01-2008. Theo đó, chỉ tiêu đất giáo dục phải đảm bảo ≥ 2.7 m2/ng; đất y tế ≥ 0,5 m2/ng; đất cây xanh công cộng kết hợp thể dục thể thao ≥ 2.0 m2/ng…

3. Kết luận và kiến nghị

Nhìn chung việc quy hoạch xây dựng NTM các xã tại huyện nông thôn ở phía Nam TP.HCM là phù hợp với bối cảnh đô thị hóa. Dân cư nông thôn được đáp ứng theo nhu cầu của dân cư đô thị hóa về mặt hạ tầng, góp phần cho thành phố phát triển bền vững.

Với tầm nhìn trong bối cảnh liên kết vùng, vượt ra ngoài khuôn khổ ranh quản lý hành chính của thành phố, áp lực đô thị hóa sẽ chuyển dần ra các khu vực ngoại vi theo hướng tạo ra các “đô thị vệ tinh” cho TP.HCM đã đến lúc trở nên là chiến lược mà thành phố cần quan tâm.


(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 85+86/2017)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)