Trong hành trình 20 năm qua, song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội, TP Cần Thơ nỗ lực phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao ý thức của người dân xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, bền vững. Không chỉ nâng cao chất lượng đời sống, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ghi dấu ấn khi TP Cần Thơ đạt nhiều giải thưởng về môi trường trong khu vực...
Một góc đô thị Cần Thơ xanh - sạch - đẹp.
Xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp
Nâng cao nhận thức về BVMT, tạo sự lan tỏa ý thức và hành động tự giác vì môi trường trong cộng đồng, ông Phạm Nam Huân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, chia sẻ: Thời gian qua, Sở phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng đối với môi trường; tổ chức ra quân thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở các kênh, rạch. Ðồng thời, triển khai và nhân rộng các mô hình phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, rác thải nhựa…
Theo đó, BVMT, chống rác thải nhựa trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Nhiều hoạt động vì thành phố xanh - sạch - đẹp được các cấp, các ngành, hội đoàn thể triển khai, tạo sự chuyển biến rõ nét, chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt. Các chương trình phát động tổng vệ sinh, ra quân làm sạch môi trường như ngày chủ nhật xanh; thứ bảy tình nguyện; đổi rác thải lấy quà tặng; tuyến đường/khu dân cư xanh - sạch - đẹp; phân loại rác thải tại nguồn; xử lý rác bằng thùng compost; thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật... đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các hoạt động vớt rác trên các kênh, rạch, sông, hồ khơi thông dòng chảy đã góp phần xây dựng cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch đẹp.
Cuối năm 2018, nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ đặt tại huyện Thới Lai chính thức đi vào hoạt động. Từ khi vận hành đến nay, trung bình nhà máy tiếp nhận mỗi ngày khoảng 500 tấn rác, quá trình đốt rác tạo ra khoảng 7,5mW điện. Nước rỉ rác sau xử lý được tái sử dụng cho hoạt động sản xuất, tro xỉ được sàng lọc xử lý. Ðến cuối năm 2023, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 98,62%; chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, chất thải y tế đều được thu gom và xử lý đúng quy định.
Ðể đảm bảo cân bằng sinh thái, duy trì sự phát triển bền vững, bảo vệ chất lượng cuộc sống, TP Cần Thơ xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng, cần thiết và cấp bách, gắn liền với quá trình phát triển đô thị không chỉ cho hôm nay mà cho các thế hệ mai sau. Phong trào trồng cây xanh là hoạt động thường niên và phát triển mạnh mẽ, trở thành nét đẹp văn hóa, gắn liền với sự phát triển của thành phố. Hằng năm, hàng trăm nghìn cây xanh được trồng mới, tạo thành những “lá phổi sống” thanh lọc và cải thiện môi trường, đồng thời tạo cảnh quan cho bộ mặt đô thị, nông thôn trên địa bàn thành phố. Hiện nay, thành phố có nhiều tuyến đường có cây xanh khá đẹp như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ… Cùng với các tuyến đường giao thông nông thôn rực rỡ sắc hoa hoàng yến, hoàng anh… hay rợp bóng cây dọc theo 2 bên đường; hệ thống công viên cây xanh của thành phố ngày càng mở rộng. Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2021-2023 thành phố đã trồng đã trồng gần 4,2 triệu cây phân tán, vượt 4,85% kế hoạch.
Cô Nguyễn Thị Kim Tuyến ở đường 3 tháng 2, quận Ninh Kiều chia sẻ: “Cảnh quan môi trường của thành phố ngày càng sạch đẹp, khang trang, người dân thụ hưởng đầu tiên nên chúng tôi đều ý thức cao trong việc vệ sinh môi trường xung quanh. Thấy rác, cây cỏ xung quanh nhà là chủ động dọn dẹp, để rác đúng nơi quy định, các trụ điện trước nhà dán quảng cáo không đúng quy định sẽ được người dân tháo gỡ”…
Trồng cây xanh là hoạt động thường niên của TP Cần Thơ, tăng mảng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát triển kinh tế gắn với BVMT
Với phương châm “không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế”, TP Cần Thơ xác định, phát triển kinh tế xanh, sạch, bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thời gian qua, thành phố đã tập trung quy hoạch, huy động các nguồn lực để triển khai phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… theo hướng xanh, phát thải thấp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và BVMT, nâng cao giá trị hàng hóa, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.
Theo đó, công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án được thực hiện nghiêm túc từ giai đoạn đầu tư nhằm phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Thành phố nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường thông qua sự tham gia phản biện của các chuyên gia, các nhà khoa học. Mặt khác, phối hợp thanh, kiểm tra giữa các cơ quan có liên quan đến tính chất của dự án, nhằm kịp thời phát hiện các dự án, cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về BVMT và đề nghị có các biện pháp cải tạo, khắc phục, không đưa vào xây dựng, vận hành các dự án chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về BVMT; không phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thành phố triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhân rộng các mô hình tiên tiến như VietGAP, Global GAP... Qua đó đã hình thành vùng chuyên canh rau màu tập trung 229ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương 20ha. Vùng sản xuất tập trung cây ăn trái chủ lực, các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu với diện tích 11.880ha, có 448ha cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. Triển khai hỗ trợ xây dựng 9 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP và 12 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật. Cùng đó, từng bước tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp thông qua tận dụng phế phẩm. Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nông dân tận dụng rơm rạ sản xuất nấm rơm và làm phân hữu cơ. Ðối với chế biến thủy sản, một số doanh nghiệp chế biến đầu cá, ruột cá, xương cá, đuôi cá làm bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi; da cá sản xuất collagen và gelatin, làm bánh snack. Ngành Nông nghiệp hướng dẫn nông dân xây dựng hầm biogas và túi biogas sử dụng để xử lý chất thải trong chăn nuôi, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng tái tạo…
Với những nỗ lực trong công tác quản lý, BVMT đã góp phần giúp TP Cần Thơ đạt nhiều giải thưởng về môi trường trong khu vực ASEAN. Ðơn cử, năm 2017, TP Cần Thơ đạt chứng chỉ Thành phố tiềm năng bền vững môi trường ASEAN lĩnh vực không khí sạch. TP Cần Thơ được vinh dự nhận giải thưởng các thành phố ASEAN bền vững về môi trường năm 2021. Bên cạnh đó, thành phố đã xuất sắc cùng 74 thành phố khác trên toàn cầu lọt vào vòng chung kết cho danh hiệu thành phố xanh toàn cầu - Global OPCC; đồng thời TP Cần Thơ cũng chính thức được mời tham gia Chiến dịch We Love City nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của người dân cho sứ mệnh xây dựng một tương lai xanh và bền vững...