Tham dự có ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Võ Văn Giàu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Bình Dương, TP.Dĩ An.
Quy hoạch phát triển đô thị bền vững
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, phương án điều chỉnh QHC đô thị TP. Dĩ An đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 (theo định hướng quy hoạch tỉnh) sẽ phát triển TP. Dĩ An theo mô hình tập trung đa cực; khai thác yếu tố động lực phát triển như hành lang thương mại dịch vụ và đầu mối giao thông để hình thành các khu chức năng mới cho thành phố. Bổ sung các tuyến liên kết các khu chức năng đô thị quanh thành phố. Đồng thời, phát triển theo mô hình TOD gắn với chức năng về dịch vụ cấp đô thị, cấp tỉnh, cấp vùng.
Quy hoạch thành phố sẽ có 4 hành lang thương mại dịch vụ bao quanh. Trong đó, có 2 hành lang thương mại xuyên qua, 2 hành lang thương mại nội thị.
Về cấu trúc trung tâm, sẽ hình thành 3 khu vực động lực: Khu phố đi bộ chợ Dĩ An; khu hỗn hợp văn phòng – Logistic Sóng Thần; khu trung tâm sáng tạo – khu phố đại học.
Ngoài ra, quy hoạch sẽ phát triển mới phân vùng III phía Đông là đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh.
Tính chất đô thị của thành phố là đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp, Trung tâm đô thị đại học, đầu mối giao thông vùng. Trong đó, công nghiệp được định hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao. Quy mô dân số từ 800.000 đến 900.000 dân; với chỉ tiêu sử dụng đất dân dụng 45-60 m2/ người; đất cây xanh toàn đô thị: ≥ 6m²/người; điện năng sử dụng: 2.100 kWh/người/năm; cấp nước sinh hoạt: ≥180 lít/người/ngày đêm.
Giao thông sẽ kết nối với TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai 14 tuyến đường, trong đó mở mới 8 tuyến đường; kết nối với TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh 27 tuyến đường, trong đó mở mới 4 tuyến đường.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo QHC, các đại biểu cho rằng, trong phát triển đô thị, yếu tố dân số sẽ tác động đến tất cả các yếu tố khác của quy hoạch. Theo ông Đặng Minh Hưng – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đơn vị tư vấn cần làm rõ thêm căn cứ xác định quy mô dân số TP. Dĩ An đến năm 2045 là 800.000 đến 900.000 dân. Các chỉ tiêu về hạ tầng giao thông cần phải rà soát lại dựa trên các quy định sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, quy hoạch cần chú ý đến quỹ đất công dành cho giáo dục, công viên cây xanh.
Ông Đặng Minh Hưng – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu góp ý cho dự thảo QHC TP.Dĩ An
Cũng theo các đại biểu, việc hình thành các tuyến đường mới là yếu tố tất yếu trong chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn về ngân sách như hiện nay, ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, đơn vị tư vấn cần phải định hướng rõ lộ trình mở mới của từng tuyến đường trên cơ sở là các tuyến đường mở trước phải tạo ra được nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư cho các tuyến đường mở sau. Đặc biệt, Dĩ An cần dựa vào ưu thế của ga vận chuyển liên vận quốc tế - ga Sóng Thần đóng trên địa bàn để tạo ra sự chuyển biến cho địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương phát biểu góp ý cho dự thảo QHC TP.Dĩ An
Theo bà Nguyễn Thị Điền - nguyên Chủ tịch UBND TP. Dĩ An, sự phát triển của dân số sẽ kéo theo về nhu cầu nhà ở, do đó, cần quy hoạch TP. Dĩ An theo hướng phát triển bền vững. Ngoài yếu tố kết nối hạ tầng kỹ thuật với các vùng kinh tế trọng điểm, cần quy hoạch Dĩ An theo hướng kết nối "nội hàm". Đặc biệt, Dĩ An cần tận dụng việc có Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh đóng trên địa bàn để phát triển thành Đô thị khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là điểm sáng của TP. Dĩ An trong tương lai.
Quan tâm đến việc quy hoạch không gian ngầm đô thị
Theo các đại biểu, quy hoạch tốt sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường sống, điều kiện sống của người dân.
Ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng, hiện quy hoạch tổng thể của tỉnh vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có 02 địa phương đã được tỉnh phê duyệt QHC, trong đó có TP.Dĩ An. Tuy nhiên, TP. Dĩ An vẫn có thể chỉnh sửa quy hoạch sau khi đã hoàn tất thủ tục lên đô thị loại II. Để phát triển đô thị vững mạnh, bên cạnh các yếu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, nhà tang lễ, thành phố cần chú trọng các yếu tố hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa. Đặc biệt, thành phố cần chú trọng công tác tái thiết, cải tạo đô thị. Trong đó, cần quan tâm đến việc quy hoạch không gian ngầm các đô thị trung tâm theo hướng tổng thể, tận dụng không gian dưới mặt đất để xây dựng các công trình đô thị, như thế sẽ giúp thành phố giải quyết về vấn đề quỹ đất dành cho cây xanh, nạn kẹt xe…
Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, cùng với các ý kiến đóng góp của các đại biểu, TP. Dĩ An cần tập trung xây dựng quy hoạch theo quan điểm xuyên suốt là lấy con người làm yếu tố trung tâm.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh góp ý cho dự thảo QHC TP.Dĩ An
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu TP.Dĩ An phải xây dựng QHC của địa phương bám sát theo QHC của tỉnh. Trong đó, cần phải hình thành những tuyến đường mới để tạo được trục giao thông đô thị gắn kết với quy hoạch đô thị giao thông chung của tỉnh. Đặc biệt, trong công tác lập quy hoạch 1/2000 đối với các phường cần mạnh dạn tái thiết các khu dân cư bằng việc hình thành các tuyến đường mới. Trong quy hoạch cây xanh, nên đảm bảo đúng theo các tỷ lệ quy định. Bên cạnh đó, thành phố phải chú trọng quy hoạch quỹ đất dành cho nhà ở xã hội (NOXH); cần quy hoạch phân khu NOXH đến từng địa bàn, khu phố. Đối với các thiết chế, ưu tiên thiết chế dành cho giáo dục, y tế, văn hóa. Để giải quyết bài toán quỹ đất, cần chú trọng đến quy hoạch không gian ngầm và rà soát lạt quỹ đất công của địa phương. Ngoài ra, cần chú đến không gian phát triển dọc các trục đường chính, đường sắt đô thị, khu vực xung quanh Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tuyến Metro Sóng Thần - Suối Tiên, Bến xe Miền Đông mới, mỏ đá Tân Đông Hiệp, đường vành đai Đông – Bắc... Trong cơ cấu kinh tế, tăng tỷ lệ cơ cấu cho thương mại dịch vụ, trong đó vận dụng công cụ khuyến khích đối với việc thực hiện đề án di dời các nhà máy nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa phương lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc.
Ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị