Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Yên Bái phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 26% vào năm 2025; trong đó, đến hết năm 2023 đạt 23,17%.
Yên Bái phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa 26% vào năm 2025 (Trong ảnh: Toàn cảnh thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên)
Để từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030. Trong đó đã xác định quan điểm, mục tiêu và xây dựng các chỉ tiêu chính về phát triển đô thị; xác định danh mục, lộ trình và kế hoạch nâng loại đô thị tỉnh Yên Bái.
Đến nay, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt 6 chương trình phát triển của từng đô thị và 6 đề án công nhận đô thị loại V trên địa bàn. Thành phố Yên Bái đã được Hội đồng thẩm định Đề án Trưng ương đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Quý cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, Sở đã tham mưu đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch đô thị, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, toàn diện và có tính chiến lược; tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc (quy hoạch vùng - quy hoạch chung - quy hoạch phân khu - quy hoạch chi tiết), liên tục, thống nhất, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn; xây dựng, ban hành đồng bộ, thống nhất, các quy định, quy chế trong quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch; thể hiện rõ vai trò là công cụ để kiểm soát phát triển đô thị bền vững.
Bảo đảm phân loại đất đô thị gắn với quy hoạch đô thị và mục đích sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đô thị phải phù hợp với quy hoạch đô thị được phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ quy trình chuyển đổi đất ở tại nông thôn thành đất ở đô thị theo quy hoạch và chương trình phát triển đô thị. Tập trung ưu tiên thực hiện mục tiêu về phát triển đô thị theo quy hoạch tỉnh, chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Đồng thời, tập trung nguồn lực để phát triển các đô thị trung tâm, đô thị động lực của vùng: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) ở vùng nông nghiệp nông thôn để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Xây dựng và phát triển các đô thị thông minh; quy hoạch, xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hóa. Phát triển các mô hình đô thị mới phù hợp với thực tiễn, các khu đô thị có vị trí, chức năng đặc thù nổi trội.