Người dân sống gần rạch Ụ Cây (Quận 8) có môi trường sống tốt hơn sau cải tạo nhà ở ven và trên kênh rạch.
Tuy nhiên, chủ trương chỉnh trang và phát triển đô thị tại thành phố mang tên Bác đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó hoàn thành chỉ tiêu đề ra, đòi hỏi bộ máy chính quyền thành phố phải có những giải pháp đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đổi màu kênh đen, thay mới chung cư cũ
Nhìn đám trẻ con, người già đi bộ, đạp xe vào buổi chiều tắt nắng dọc hai bờ kênh rạch Ụ Cây, bà Lê Thanh Thủy (ngụ tại 267/51A đường Tùng Thiện Vương, Phường 11, Quận 8) nhớ lại: "Khoảng năm 2010 trở về trước, cạnh con đường tôi đang đứng, hầu hết là nhà lụp xụp, dòng kênh màu đen quánh, hôi thối quanh năm, rác thải vương vãi khắp nơi. Sau đó quận giải tỏa nhà dân làm đường ven kênh, tạo mảng xanh, làm đường đi bộ. Mọi thứ đã đổi thay rõ rệt".
Giờ đây, những bãi rác được thay thế bằng những hàng cây chuối cảnh, vườn hoa, bãi cỏ… làm cho con kênh thêm xanh mát. Chính quyền còn lắp đặt nhiều dụng cụ để người dân tập thể dục, thư giãn, vui chơi không chỉ tăng cường sức khỏe mà bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp hơn. Dòng kênh đen nay đã đổi màu.
Theo ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 8, chương trình chỉnh trang đô thị, di dời, tái định cư các hộ dân sống trên và ven rạch Ụ Cây (các Phường 9, 10 và 11), có tổng số căn nhà bị giải tỏa khoảng 2.550 căn với 14.000 nhân khẩu.
Giai đoạn 1, Quận 8 đã giải tỏa được 953 căn nhà trên kênh rạch và đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Mục tiêu thực hiện dự án nhằm chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe, giải quyết nhu cầu nhà ở ổn định lâu dài, góp phần cải thiện điều kiện, chất lượng sống cho người dân.
Theo ông Tùng, ngoài dự án rạch Ụ Cây, hiện Quận 8 đang triển khai hai dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo nhà trên và ven kênh rạch trọng điểm là dự án bờ bắc và bờ nam kênh Đôi, chạy dọc toàn quận dài hơn 9 km, với hơn 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Khi bờ bắc, bờ nam kênh Đôi được chỉnh trang thì diện mạo đô thị của quận sẽ thật sự "lột xác", giảm hẳn những khu nhà ổ chuột ven kênh rạch, qua đó tạo bộ mặt đô thị khang trang, cải thiện đời sống người dân.
Song song với chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh cũng nỗ lực thay mới, sửa chữa lại các chung cư cũ đã xuống cấp.
Điển hình như chung cư Cô Giang (số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, Quận 1) gồm 750 căn hộ. Khi thực hiện chủ trương di dời, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng phương thức "công-tư kết hợp": Chính quyền thành phố chịu trách nhiệm thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ giải quyết tạm cư, tái định cư cho người dân; chủ đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn vốn tài chính để Nhà nước thực hiện hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết tạm cư, tái định cư cho người dân theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời doanh nghiệp có thể hỗ trợ thêm cho người dân. Đến nay, một chung cư mới đã được thay thế, người dân được nhận nhà tái định cư để ổn định cuộc sống.
Quận Bình Thạnh là một trong những điển hình trong chủ trương xây mới, cải tạo lại chung cư cũ. Khi lô IV, lô VI Khu chung cư Thanh Đa bị nghiêng, lún, nguy hiểm đến tính mạng của 300 hộ dân, chính quyền quận Bình Thạnh đã áp dụng chính sách chủ sở hữu căn hộ cũ có diện tích từ hơn 80 m2 được hoán đổi hai căn hộ tái định cư có diện tích 60 m2/căn tại chung cư tái định cư có vị trí gần nơi ở cũ. Chủ trương này đã được 100% người dân đồng tình, ủng hộ.
Hạ tầng đô thị khang trang ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cần giải pháp đột phá
Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch dù đem lại một số kết quả tích cực nhưng chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành di dời 6.500 trên và ven kênh rạch, tuy nhiên, đến hết quý II/2023 mới di dời được 675 căn. Với tiến độ như vậy, đến hết năm 2025, thành phố chỉ hoàn tất bồi thường, di dời được 3.231 trong số 6.500 căn, đạt 49,7% chỉ tiêu đề ra.
Với chương trình cải tạo chung cư cũ, dù lãnh đạo thành phố đã vận dụng nhiều giải pháp nhưng tiến độ vẫn không đạt. Cụ thể, thành phố đặt chỉ tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ cải tạo, xây mới 474 chung cư cũ, nhưng từ năm 2015 đến 2022 mới hoàn thành cải tạo, xây mới được ba chung cư; đang cải tạo, xây dựng mới 29 chung cư…
Tại báo cáo sơ kết phong trào thi đua thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị mới đây, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành ba Chương trình đột phá và một Chương trình trọng điểm phát triển giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, gồm 47 Chương trình và Đề án nhánh, nhưng trong đó lại không có Chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025. Điều này phần nào vô hình trung khiến nguồn vốn ngân sách dành cho các công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch, cải tạo, sửa chữa chung cư cũ chưa được quan tâm, ưu tiên đúng mức, dẫn đến kết quả đạt được còn khiêm tốn.
Mặt khác, mặc dù các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch được Sở Xây dựng đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư, đã được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, nhưng so với các dự án hạ tầng, công ích khác lại không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu.
Thành phố hạn chế ưu tiên vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường (các dự án di dời nhà ven kênh có cấu phần vốn bồi thường là chủ yếu), cho nên phần lớn các dự án chưa được bố trí vốn hoặc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, hầu hết dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và bồi thường, trong khi chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách.
Tương tự, các dự án xây dựng mới thay thế chung cư cũ đã có chủ trương đầu tư, trong quá trình triển khai lại gặp nhiều vướng mắc do liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân. Công tác tháo dỡ, xây dựng mới chủ yếu dừng lại ở việc di dời, tạm cư người dân để bảo đảm an toàn cho người dân. Thành phố cũng chưa kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa cho chương trình này vì chưa có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, những hạn chế nêu trên là do thủ tục đầu tư kéo dài và chồng chéo trong những quy định của pháp luật về nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị và đầu tư. Chưa có chính sách đột phá trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm; nhà trên, ven kênh rạch.
Thời gian thụ lý giải quyết thẩm định, phê duyệt giá bồi thường, giải quyết vướng mắc tại sở, ngành kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường của dự án. Có nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương các quận, huyện, sở, ngành chưa quyết liệt, chủ động thực hiện. Hiện nay chỉ có bảy dự án được tiếp tục bố trí vốn, dẫn đến chỉ tiêu di dời, bồi thường 6.500 căn rất khó khả thi.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong di dời nhà ở trên, ven kênh rạch; xây mới, sửa chữa chung cư cũ, Sở Xây dựng kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách cho các dự án, bảo đảm thực hiện nhiều mục tiêu, vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên, ven kênh rạch, vừa thay thế được chung cư cũ, vừa chỉnh trang được bộ mặt đô thị; giải quyết an sinh xã hội cho người dân.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh được tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho các dự án, thành phố cần có chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Sở Xây dựng cũng đề xuất giải pháp cho tất cả đối tượng là hộ gia đình đang có nhà trên, ven kênh rạch; nhà ở tại các chung cư cũ xuống cấp được thuê nhà ở xã hội (hoặc thuê mua) để người dân ổn định cuộc sống.