Chiều 12/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TPHCM. Về phía TPHCM có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan.
Toàn cảnh làm việc
Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, Trong giai đoạn 2016 - 2021, TP đã ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn. Hiện nay, khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn khoảng 10.000 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được bảo đảm kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày.
UBND TPHCM hiện nay đã và đang xây dựng lộ trình để triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm đảm bảo đến năm 2025, thực hiện phân loại thành 3 loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hiện công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM đã được xã hội hóa 100%; tỷ lệ các công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt trên địa bàn TPHCM chiếm tỷ lệ khoảng 31%, còn lại 69% được chôn lấp hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều khó khăn, như tỷ lệ hộ gia đình, tham gia triển khai phân loại rác còn thấp, chưa được duy trì ổn định; chưa tổ chức được việc thu gom, vận chuyển riêng biệt các loại chất thải sau phân loại. cơ sở hạ tầng, trạm trung chuyển phương tiện vận chuyển còn chưa bảo đảm…
TP có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý sang đốt phát điện đang triển khai. Các cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể đã chủ động phối hợp trong việc tuyên truyền người dân trên địa bàn TP về giảm sử dụng túi ni long khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần, vận động, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế túi ni long khó phân hủy.
Để triển khai đồng bộ và thuận lợi công tác quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xem xét, thẩm định, thông qua Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP đến năm 2025, tầm nhìn 2050.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để áp dụng chung cho toàn quốc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh khoảng cách an toàn đối với các trạm trung chuyển nằm trong khu dân cư đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Bộ Công thương sớm bổ sung các dự án đốt phát điện trên địa bàn TP vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia. TP HCM cũng đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường quan tâm, hỗ trợ TP đưa ra các chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu và hỗ trợ trang bị bảo hộ lao động cá nhân vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); các bộ, ngành sớm xây dựng, công bố vốn đầu tư và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho công nghệ đốt rác phát điện thu hồi năng lượng làm cơ sở áp dụng, tổ chức đấu thầu theo quy định…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM là đô thị đông dân không chỉ cư dân sinh sống mà cư dân đến làm việc rất đông nên việc xử lý rác thải sinh hoạt là thách thức vô cùng to lớn đối với TP.
Nhận thức được vấn đề trên, TPHCM đã không ngừng nỗ lực quản lý tốt vấn đề xử lý rác thải, đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý rác thải, bảo đảm việc xử lý rác thải trong ngày, không để tồn đọng. Trong quá trình thu gom, xử lý rác thải TP cần phải tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách xử lý rác thải theo cách mới.
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan chia sẻ thêm một trong những vấn đề khó khăn mà TP đang gặp phải đó là việc vận động tuyên truyền người dân phân loại rác thải tại nguồn, chuẩn hóa lực lượng thu gom rác, trang bị bảo hộ, nhiều điểm tập kết rác còn nằm trong khu dân cư, bị người dân phản ánh…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của TPHCM trong ban hành văn bản, kế hoạch liên quan xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là đảm bảo xử lý tốt chất thải rắn, rác thải y tế, nâng cao công nghệ xử lý rác thải rắn…
Đối với các kiến nghị cũng như những khó khăn, vướng mắc của TPHCM, Đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ, trong quá trình chuẩn bị báo cáo phục vụ Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ủy ban tới đây.