Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT); ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư để tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn… Đó là những giải pháp thiết thực tỉnh đã triển khai, nhằm thực hiện hiệu quả chương trình NS&VSMTNT, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn.
Trạm cấp nước sạch liên xã Hồng Phương - Liên Châu, huyện Yên Lạc đảm bảo cung cấp nước sạch cho hơn 3 nghìn hộ dân. Ảnh: Trà Hương
Nước sạch là nhu cầu tất yếu trong đời sống hằng ngày của mỗi người và là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân. Vì vậy, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Trung ương như chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn; chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung (CNTT) ở khu vực nông thôn; việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn...
Cùng với đó, tỉnh chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về chính sách, pháp luật đối với việc sử dụng NS&VSMTNT bằng nhiều hình thức phong phú như tổ chức Tuần lễ quốc gia NS&VSMT nông thôn hằng năm từ ngày 29/4 - 6/5, Ngày môi trường Thế giới (5/6), Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn (22/9)…
Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực và ban hành những cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ đảm bảo NS&VSMT cho người dân. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 35 về việc hỗ trợ kinh phí đóng góp của người dân sử dụng nước thuộc Chương trình NS&VSMTNT.
Đồng thời, từ nhiều nguồn kinh phí, tỉnh đầu tư xây dựng 48 công trình CNTT ở các khu vực nông thôn phục vụ nước sạch cho nhân dân. Hàng năm, Trung tâm NS&VSMTNT thực hiện lấy mẫu, phân tích để đánh giá kết quả điều tra Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá NS&VSMTNT.
Đối với vấn đề VSMTNT, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, quyết định với các chính sách hỗ trợ đảm bảo tiêu chí môi trường ở các xã như Nghị quyết 154 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 hỗ trợ các xã xây dựng cống, rãnh thoát nước thải, nghĩa trang nhân dân; Quyết định 06, Quyết định 07 của UBND tỉnh hỗ trợ người dân trong xử lý chất thải chăn nuôi; Nghị quyết số 54 của HĐND về quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 đã định mức chi kinh phí sự nghiệp môi trường cho các xã có 2 làng nghề trở lên; Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Những giải pháp thiết thực đó đã làm thay đổi nhận thức, ý thức của người dân về vấn đề NS&VSMTNT. Đến nay, 100% hộ gia đình đã sử dụng nước hợp vệ sinh từ các công trình CNTT của tỉnh; hơn 62,5% hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam; đặc biệt, có gần 42% hộ nghèo sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam.
Vấn đề môi trường được các cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, đạt được kết quả tích cực; 100% các xã khu vực nông thôn thành lập HTX dịch vụ hoặc tổ vệ sinh môi trường để thu gom, xử lý rác thải.
Người dân tích cực tổ chức các đợt ra quân bảo vệ môi trường, hình thành nếp sinh hoạt ngăn nắp, gọn gàng “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”; cải tạo và xây mới 471 nghĩa trang....
Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng, cải tạo được hơn 800 km cống, rãnh thoát nước thải trong khu dân cư. Hầu hết các hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; 100% cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung có hầm biogas và nhiều hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề tại các xã đều đạt tiêu chuẩn về môi trường… Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy sản xuất, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực NS&VSMTNT. Trong đó, tập trung rà soát, khắc phục công trình CNTT chưa hoạt động và triển khai thực hiện nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch.
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng thiết yếu về bảo vệ môi trường khu vực nông thôn; từng bước di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu dân cư ra các cụm công nghiệp, làng nghề; bố trí lại mô hình tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cấp xã; triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn. Từ đó, góp phần thiết thực trong việc đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.