Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng). Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Không phải khi vụ việc bé gái trèo qua lan can và rơi từ tầng 13 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) thì an toàn tại các tòa nhà cao tầng mới được cảnh báo.
Ngay cả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng hướng tới sự đảm bảo an toàn cho loại công trình cao tầng cũng đã được ban hành đầy đủ và đồng bộ.
Tuy nhiên, nhiều tai nạn đáng tiếc vẫn tiếp tục xảy ra với hậu quả nghiêm trọng. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Trước nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà sự cố xuất phát từ ban công, lô gia các chung cư cao tầng, xin ông cho biết, hệ thống quy định trong lĩnh vực xây dựng đã tính đến yếu tố an toàn tại vị trí này ra sao?
Ông Vũ ngọc Anh: Nhìn chung, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến an toàn cho các nhà chung cư đã được Bộ Xây dựng rà soát. Hiện các quy định đã khá đầy đủ và cũng cần phân biệt giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn.
Quy chuẩn là văn bản pháp luật bắt buộc phải tuân thủ từ khâu thiết kế, thẩm định, thẩm tra, thi công, nghiệm thu... Tất cả các khâu này đều phải tuân thủ theo những quy định chi tiết kỹ thuật đã được nêu tại quy chuẩn.
Cũng có trường hợp, trong quá trình thẩm định thấy sai sót hoặc quá trình ngiệm thu thấy chưa đạt yêu cầu, hoặc sơ xuất đều phải khắc phục ngay. Tuy nhiên, các chung cư xây dựng trong những năm gần đây đều tuân thủ khá nghiêm các quy định trong quy chuẩn, cụ thể là chiều cao lan can.
Còn tiêu chuẩn là lại là vấn đề chủ đầu tư tự áp dụng. Tuy nhiên, nếu tiêu chuẩn mà đưa vào trong khung phê duyệt ban đầu của chủ đầu tư thì cũng bắt buộc phải thực hiện đúng trong quá trình thi công dự án đó.
Liên quan trực tiếp đến an toàn cho nhà chung cư là Quy chuẩn 04 (QCVN 04:2019/BXD) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư và Quy chuẩn 05 (QCXDVN 05:2008/BXD) về nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe.
Quy chuẩn 04 liên quan đến nhà chung cư đều nói rất rõ, tất cả các lỗ mở đều phải cách sàn ít nhất 1,4m (độ cao) để đề phòng trẻ em có thể chui qua hoặc ngăn ngừa những người có hành vi không bình thường hạn chế việc rơi, ngã.
Còn Quy chuẩn 05 quy định cụ thể đối với nhà cao tầng thì từ tầng 9 trở lên phải đảm bảo chiều cao lan can ít nhất là 1,4m và cũng chỉ rõ cấu tạo của lan can không được dễ trèo. Tức là không được làm thêm thanh ngang, thanh chéo để trẻ em có thể đặt chân lên. Còn khoảng cách giữa các thanh lan can không được đút lọt quả cầu đường kính 100mm.
Tất cả các thông số này đều đã được tính toán hướng đến việc đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng. Thông thường, ở vị trí sát mép ngoài lan can, giáp với khoảng không đều có thiết kế 1 gờ để tránh nước rỏ trực tiếp xuống nhà dưới khi sàn đổ nước hoặc khi đánh rơi đồ vậy cũngtránh lăn thẳng xuống. Do đó, cấu tạo từ mặt sàn trở lên cũng quy định có gờ không quá 10cm để chắn. Điều này cũng được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4319:2012 về Nhà và công trình công cộng – Nguyên tắc cơ bản để thiết kế.
Cùng với các quy định rất cụ thể này, lan can ban công còn phải đảm bảo độ cứng để chịu được lực xô, không gãy, đổ...
Khi xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đều có các căn cứ kỹ thuật, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam. Đây là ngưỡng bắt buộc áp dụng ở tất cả công trình. Nhìn chung, cho dù thiết kế an toàn đến mấy nhưng yếu tố này vẫn phải phụ thuộc cả vào ý thức của người sử dụng.
Phóng viên: Vậy là các quy định hiện nay đã tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, tại nhiều chung cư, người dân đã chủ động làm hệ thống lưới an toàn lan can ban công. Đây có phải là giải pháp hiệu quả và quan điểm của ông về vấn đề này ra sao, thưa Vụ trưởng?
Ông Vũ Ngọc Anh: Hiện nhiều hộ dân chọn mắc lưới an toàn từ phía thành lan can ban công lên đến trần thì trong quy chuẩn, tiêu chuẩn không cấm việc này. Tuy nhiên, trước khi lắp đặt cần cân nhắc đến một số yếu tố.
Một công trình khi thiết kế phải đảm bảo an toàn trong việc rơi, ngã nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo cả an toàn phòng cháy chữa cháy. Ban công và lô gia có thuận tiện rất nổi bật như lấy gió, ánh sáng...
Ngoài ra, đây còn là khoảng không gian rất an toàn khi xảy ra cháy xuất hiện ở trong nhà hoặc ngoài hành lang.
Lực lượng cứu hộ cứu nạn khi muốn can thiệp từ bên ngoài thì cũng phải sử dụng khoảng không từ ban công, lô gia. Bởi vậy, khoảng không này cũng có chuẩn theo quy định để lực lượng cứu hộ có thể tiếp cận khi xảy ra sự cố.
Do đó, nếu thiết kế lan can ban công cao quá thì vừa không đảm bảo tính thẩm mỹ và cũng không đáp ứng quy định về khỏang không an toàn khi cứu hộ phòng cháy chữa cháy.
Hay khi sử dụng vật liệu bảo vệ phía trên lan can như lưới, khung sắt... mà kiên cố quá thì cũng cản trở việc thoát hiểm, cứu hộ. Cái này cũng có quy định cụ thể về đảm bảo chiều cao cho phòng cháy chữa cháy.
Lưới an toàn có nhiều dạng, dây mềm. Nhìn thì có vẻ an toàn vì khi phơi đồ trong ban công sẽ hạn chế việc bay đồ ra đường. Nhất là những ban công nằm ở vị trí tiếp giáp trục đường giao thông chính, khi phơi quần áo gặp gió to bay xuống dưới mà rơi vào phương tiện giao thông, thậm chí che kính lái của xe buýt, ô tô... thì cũng rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, dây mềm như thế nào là đủ để trẻ em không thể kéo dãn để chui ra cũng là vấn đề cần tính đến.
Còn nếu giải pháp bảo vệ bằng các vật liệu chắc chắn quá như khung sắt, khung inox... thì lại không đảm bảo yếu tố cứu nạn khi xảy ra sự cố cần thoát hiểm khi có hỗ trợ, can thiệp từ bên ngoài.
Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ của mỗi gia đình, nhất là với các nhà có trẻ em, có người có vấn đề bất ổn về tâm lý.
Phóng viên: Vậy Bộ Xây dựng sẽ có thêm giải pháp gì để tăng tính an toàn tại các tòa nhà cao tầng, thưa ông?
Ông Vũ Ngọc Anh: Hiện nay nhiều tài sản, vật dụng đều có hướng dẫn sử dụng. Đơn cử như tài sản lớn là ô tô hay các thiết bị sử dụng trong nhà đều có chỉ dẫn trước khi dùng. Trong khi đó, mua một căn hộ chung cư với giá trị lớn thì lại chưa có đầy đủ chỉ dẫn để sử dụng an toàn loại tài sản này.
Ví dụ như trong căn hộ, bức nào là tường bê tông, tường thạch cao, đường điện chạy qua..., chỗ nào thì đóng được đinh treo vật nặng... Các tính năng cần được nêu rõ hơn trong hướng dẫn về cấu tạo các bộ phận của căn hộ.
Khi đó, ban công với các gia đình có trẻ em cần được chỉ dẫn chú ý những gì. Cụ thể như không được kê đồ vật sát đó để tạo thành bậc leo trèo.
Bởi trên thực tế, hiện nhiều gia đình sử dụng ban công như chỗ cất đồ, từ xô chậu, thùng lau nhà, hộp chứa đồ... mà không chú ý tới hiểm họa có thể xảy ra nếu nhà có trẻ nhỏ. Thậm chí, nhiều nhà làm cả dây phơi tầm thấp đã vô tình tạo chỗ vịn cho trẻ trèo với lên.
Đã là thiết kế căn hộ là sản xuất đại trà nhưng khi sử dụng mỗi một căn hộ sẽ được các gia đình bố trí các công năng khác nhau và mỗi đối tượng sử dụng căn hộ lại cần những chú ý khác nhau.
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát những quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan; đặc biệt, chú ý đưa vào văn bản quy phạm pháp luật để các chủ đầu tư áp dụng. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu về quy định mỗi căn hộ cần có 1 quyển sách hướng dẫn sử dụng về tính năng an toàn và bàn giao một cách cụ thể.
Phóng viên: Sau sự việc xảy ra mới đây tại chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, trên diễn đàn nhiều khu chung cư, người dân rủ nhau lắp lưới an toàn. Vậy sản phẩm lưới an toàn có được tính đến và đưa vào một tiêu chuẩn nhất định khi người dân đồng loạt chọn giải pháp này để đảm bảo an toàn cho khu vực ban công không, thưa ông?
Ông Vũ Ngọc Anh: Ngay như giữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cũng phải hài hòa với các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, tiếp cận trong quá trình cứu hộ cứu nạn. Không thể nói để đảm bảo an toàn thì bịt kín hết, như vậy cũng sai.
Do đó việc sử dụng lưới chỉ là lời khuyên được đưa ra cho các gia đình. Mà lời khuyên thì không đưa được vào tiêu chuẩn bởi đã là tiêu chuẩn thì phải bắt buộc thực hiện đồng loạt. Do đó, việc lắp lưới an toàn sẽ tùy nhu cầu của từng gia đình.
Chất liệu lưới như thế nào cũng phải tính toán để vừa đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn. Điều này có thể tham khảo bên lực lượng phòng cháy chữa cháy về phương tiện cứu hộ của họ xử lý được những trường hợp như thế nào cho phù hợp (búa, kìm cộng lực... ở độ cao thì cắt được loại lưới nào). Có thể cần chủ đầu tư, ban quản lý tuyên truyền cho người dân.
Việc sử dụng lưới an toàn vẫn phải chú ý đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn khi có sự cố, hỏa hoạn. Khi dùng lưới an toàn, người dân cần tìm nhà sản xuất có uy tín, thương hiệu tốt.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!