Hà Nội thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội

Thứ sáu, 05/03/2021 15:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sau 2 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật có nhiều chỉ số tăng khá cao so với cùng kỳ.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Dũng. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 4/3, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2/2021 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Dũng cho biết  mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng sau 2 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật có nhiều chỉ số tăng khá cao so với cùng kỳ.
 
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện hết tháng 2/2021 là 50.839 tỷ đồng, đạt 20,2% dự toán. Chi ngân sách địa phương thực hiện hết tháng 2/2021 là 8.615 tỷ đồng, đạt 7,9% dự toán đầu năm.

Đặc biệt, về thu hút đầu tư phát triển, trong tháng 2/2021, Hà Nội có 22 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 12,1 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký của các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn đạt 58,9 triệu USD.

Hà Nội cũng cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.415 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 36,6 tỷ đồng (giảm 8% về số lượng doanh nghiệp và giảm 54% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020).

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về tạo chuyển biến trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh, nhất là việc cải tạo ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết thành phố đã nhận được nhiều đề xuất về giải pháp cải thiện môi trường sông Tô Lịch, trong đó có phương án bổ cập nước sông Hồng qua hồ Tây rồi chảy vào sông Tô Lịch.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã giao các đơn vị chức năng tìm phương án đẩy nhanh giải quyết vấn đề này, trong đó cơ quan liên ngành đã khảo sát và đưa ra đề xuất bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, nếu bổ cập qua cống Liên Mạc, phương án này có thể cải thiện ô nhiễm cả cho sông Nhuệ.

Trước đây, Hà Nội đã có dự án nâng cấp, xây dựng mới cống Liên Mạc, thời gian tới sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu dự án này được thực hiện sẽ đảm bảo việc tưới tiêu nông nghiệp và bổ cập nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ.

Trước mắt, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất xây 8 trạm bơm dã chiến với công suất 9 m3/s để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc xử lý các sai phạm trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, Phó phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội), Thượng tá Phạm Đức Thắng cho biết Công an thành phố đã tăng cường, kiểm tra toàn bộ quá trình xử lý rác thải, từ điểm đầu gom rác đến quá trình vận chuyển tới các khu xử lý rác, trong đó có các điểm trung chuyển, tập kết rác tạm.

Cho đến nay vẫn chưa phát hiện hiện tượng bơm nước hay trộn các thứ khác để gia tăng khối lượng rác. Về biểu hiện tiêu cực trong xử lý rác, cơ quan công an đang tích cực thu thập tài liệu liên quan để điều tra làm rõ.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: TTXVN phát)

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng nông sản cung vượt quá cầu, khiến nông dân gặp khó khăn, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, vụ Đông Xuân năm nay mặc dù nông sản được mùa nhưng sức mua giảm do người tiêu dùng đã tích trữ một lượng hàng lớn từ trước Tết.

Ngoài ra, do dịch bệnh nên người dân mua sắm online nhiều hơn; các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn trường học cũng đóng cửa… tác động đến sức mua nông sản trên địa bàn. Do đó, sức mua lẻ trên thị trường trong tháng 2/2021 giảm 16,7%.

Trước tình hình đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo kịp thời các sở, ngành và chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, tiêu thụ nông sản cho nông dân các huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như hỗ trợ tiêu thụ nông sản của một số tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh...

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, qua kiểm tra tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, một lý do khác dẫn đến tình trạng nông sản cung vượt quá cầu là do tập quán thâm canh gối vụ.

Vì vậy, thành phố đã chỉ đạo các địa phương sản xuất theo đúng kế hoạch, không tự phát, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ cao trong canh tác để tránh tình trạng cung vượt quá cầu, lãng phí tài sản.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến nguồn kinh phí mua vắcxin COVID-19 và bao giờ Hà Nội có vắcxin để tiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Hà Nội đang lên danh sách những đối tượng được ưu tiên tiêm vắcxin phòng COVID-19 và dự kiến tiêm chủng đầy đủ cho người dân trên 18 tuổi, kể cả người vãng lai ở thành phố.

Kinh phí mua vắcxin phòng COVID-19 có thể đến từ ba nguồn gồm: Ngân sách nhà nước; tài trợ, hỗ trợ của cá nhân, doanh nghiệp; người sử dụng vắcxin tự chi trả.

Về thời gian tiêm chủng, ông Khổng Minh Tuấn cho biết ngày 24/2, lô vaccine đầu tiên đã về đến Việt Nam. Ngày 6/3, Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn tiêm chủng cho toàn bộ hệ thống y tế dự phòng của 63 tỉnh, thành phố.

Theo thứ tự ưu tiên của Bộ Y tế, sẽ cấp phát vắcxin cho 13 tỉnh, thành phố đang có dịch, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, Hải Dương là địa phương được ưu tiên số một nên lượng vắcxin cho Hà Nội cũng không nhiều và ngày tiêm chủng ở Hà Nội phụ thuộc vào việc phân bổ của Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, để tăng tốc phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu cấp trưởng các đơn vị tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực cao nhất trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, coi thường khi dịch có dấu hiệu lắng xuống; tập trung quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô./.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: TTXVN phát)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)