“Đây là buổi hội thảo đầu tiên quan tâm đến vấn đề phát triển kiến trúc cho cả vùng, không chỉ đơn thuần là ở một địa phương. Buổi hội thảo hôm nay sẽ tạo ra một sự quan tâm mới trong lĩnh vực kiến trúc đối với phát triển đô thị, nông thôn, không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn những khu vực khác.” - ThS. KTS Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia khẳng định tại buổi hội thảo.
Ngày 22/9 tại Hội trường Thống Nhất phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiến trúc quốc gia phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển kiến trúc vùng Thành phố Hồ Chí Minh”.
Ông Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến thảo luận tại hội thảo.
Hội thảo nhằm xác định và cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm giúp cho Chính phủ và các nhà quản lý địa phương trong khu vực vùng Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển nguồn lực, thực hiện tốt công tác phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn bền vững, thích ứng những biến đổi của khí hậu trong thời gian tới; tạo cơ hội để các nhà khoa học, các tổ chức chuyên môn đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm ở cả góc độ nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách cho việc hoạch định các kế hoạch, chiến lược, hành động trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch xây dựng...
Hội thảo xoay quanh 5 vấn đề: Tổng quan về kiến trúc (đô thị và nông thôn); Không gian kiến trúc cảnh quan: Cải tạo và phát triển kiến trúc; Kinh nghiệm quốc tế về quản lý, phát triển kiến trúc (Singapore, Pháp..); Bảo tồn, khai thác các di sản kiến trúc, đánh giá các công trình kiến trúc có giá trị; Phát huy khả năng sáng tạo tối đa ngành nghề cho các kiến trúc sư ở 4 tiểu vùng của Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và 07 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Mai Trung Hưng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt vấn đề, hiện nay trong quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia các khái niệm, định nghĩa về nhà ở nông thôn còn rất mờ nhạt, dẫn đến việc những trường hợp miễn giấy phép, người dân xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng thật ra là những tòa nhà cao tầng... Việc triển khai Luật Kiến trúc sẽ giúp các địa phương có thêm cơ sở để đối chiếu, quản lý và có biện pháp chế tài xử lý, xử phạt nếu có vi phạm.
ThS.KTS Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (thứ 7 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm chúc mừng buổi hội thảo thành công tốt đẹp.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Từ giải phóng đến nay, đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vai trò không gian kiến trúc đô thị bổ sung cho yếu tố quy hoạch. Lâu nay chúng ta chạy theo quy hoạch, chủ yếu là chúng ta tạo lập về quy hoạch đô thị và nông thôn, còn yếu tố kiến trúc thì đâu đó cũng có quản lý nhưng mà không có cơ sở thì nay chúng ta có Luật Kiến trúc, dần dần hình thành hệ thống pháp lý từ Trung ương đến địa phương và các vùng miền nhằm tạo ra được cái sự cân bằng giữa quy hoạch và kiến trúc”.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Hưng, hội thảo lần này giúp nâng cao nhận thức, tạo ra công cụ quản lý và các cơ sở pháp lý... làm nên cái chung, nhận thức chung toàn xã hội về kiến trúc... để tạo ra những quần thể kiến trúc đẹp, nâng cao giá trị của công trình.