Chiều 18/9, UBND thành phố Yên Bái phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức Hội nghị Công bố đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.
Dự Hội nghị có đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái, đại diện công ty tư vấn.
Xây dựng các xã Văn Phú, Tân Thịnh và Giới Phiên trở thành phường
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Xây dựng đã công bố Quyết định của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, Đồ án có mục tiêu phát triển thành phố Yên Bái đạt các tiêu chí của đô thị loại II giai đoạn 2020 - 2025 trên cơ sở lấy chất lượng đô thị làm trọng tâm; phát triển mở rộng thành phố Yên Bái ra vùng phụ cận, trong đó xây dựng các xã Văn Phú, Tân Thịnh và Giới Phiên trở thành các phường; hướng tới mục tiêu tương lai "thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại I”; làm cơ sở để thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị nằm hai bên sông Hồng, là đô thị phát triển xanh, bản sắc và hạnh phúc, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế, ứng phó với biến đổi khí hậu; thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long trao đổi với các đại biểu về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận.
Phạm vi lập quy hoạch thành phố Yên Bái bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Yên Bái; một phần của huyện Trấn Yên (bao gồm các xã: Bảo Hưng, Minh Quân, Việt Cường, Vân Hội, một phần xã Y Can) và một phần huyện Yên Bình (bao gồm: thị trấn Yên Bình, xã Đại Đồng, xã Thịnh Hưng, xã Phú Thịnh) với quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng gần 32 nghìn ha. Dân số hiện tại khu vực lập quy hoạch trên 142 nghìn người; dự báo đến năm 2030 khoảng 205.000 người, đến năm 2040 khoảng 260.000 người.
Quang cảnh Hội nghị.
Định hướng phát triển không gian của Đồ án sẽ bao gồm các vùng chức năng như: vùng đô thị trung tâm, vùng công nghiệp dịch vụ tại nút giao đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, vùng công nghiệp, vùng đô thị dịch vụ du lịch hồ Thác Bà, vùng du lịch sinh thái hồ Vân Hội và vùng nông, lâm nghiệp nông thôn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long khẳng định: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển thành phố. Đây cũng là cơ sở pháp lý cho việc quản lý đầu tư xây dựng phát triển đô thị và phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Yên Bái và vùng phụ cận thuộc huyện Yên Bình và huyện Trấn Yên, từng bước nâng cao điều kiện sống của nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí đề nghị thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và Yên Bình khẩn trương phổ biến quy hoạch sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đô thị; tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng trong phạm vi Đồ án.
Cùng với đó, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng xanh, bền vững; tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và cộng đồng.
Đồng chí cũng yêu cầu các sở, ngành của tỉnh phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực và tổ chức triển khai Đồ án đã phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, kịp thời thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, phát triển đô thị và thu hút các dự án đầu tư.