Phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ưu đãi: Thêm cú hích tăng trưởng kinh tế

Thứ ba, 28/04/2020 13:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay phát triển nhà ở xã hội. Nguồn vốn ưu đãi này sẽ là trợ lực không nhỏ thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, mang đến giấc mơ an cư cho người thu nhập thấp. Không chỉ vậy, khi nhà ở xã hội phát triển sẽ kéo theo thị trường vật liệu xây dựng, nhân công và nhiều ngành nghề khác... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguồn vốn ưu đãi dành cho công tác phát triển nhà ở xã hội góp phần thúc đẩy các ngành nghề liên quan.
Trong ảnh: Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Động lực thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng cho biết, theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội mới đạt khoảng 34,3% so với mục tiêu đề ra.

Cụ thể, cả nước đã hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn hộ (gần 4,3 triệu mét vuông sàn nhà ở) và hiện đang tiếp tục triển khai 220 dự án (khoảng 179.640 căn hộ, tổng diện tích 8,98 triệu mét vuông sàn nhà ở). Đáng chú ý, do khó khăn về nguồn vốn tín dụng (sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc), từ cuối năm 2016 đến nay, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội đã bị ách tắc. Có 221 dự án nhà ở xã hội triển khai chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng thời gian gần đây rất hạn chế.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, nhà ở xã hội bị khống chế về giá, lợi nhuận, trong khi giá vật liệu xây dựng, nhân công… không giảm; cộng với thời gian thu hồi vốn chậm do quy định để lại 20% quỹ nhà dành cho thuê trong 5 năm... Vì vậy, dù là phân khúc chiếm tới 60-70% nhu cầu thị trường, song nhiều doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nếu không được hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Do đó, việc Chính phủ bổ sung 3.000 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi dành cho phát triển nhà ở xã hội sẽ trở thành cú hích hỗ trợ thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội cũng như hỗ trợ người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội sở hữu nhà ở.

Là một trong những doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long thừa nhận: Việc phát triển nhà ở xã hội trong những năm qua gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư và khách hàng đều không được hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp. Trong 4 tòa nhà công ty đang triển khai, mới có 1 tòa nhà đã bàn giao, 1 tòa khác đơn vị đang tính đến việc liên danh.

"Nguồn vốn ưu đãi mà Chính phủ vừa quyết định bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại sẽ giúp doanh nghiệp thêm nguồn lực, tiếp tục phát triển các dự án phục vụ người nghèo", ông Sơn kỳ vọng.

Không chỉ là 3.000 tỷ đồng...

 

Nguồn vốn ưu đãi dành cho công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới
sẽ góp phần thúc đẩy các ngành nghề liên quan. Ảnh: Thanh Liêm

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu thông tin: Theo tổng kết của Bộ Xây dựng khi kết thúc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, từ một đồng vốn ban đầu, ngân hàng thương mại có thể huy động thêm được 33 đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động thêm một đồng. Như vậy, với 2.000 tỷ đồng sắp được hỗ trợ để cho vay phát triển nhà ở xã hội, các ngân hàng sẽ huy động được khoảng 66.000-67.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay xây nhà và cho người dân vay mua nhà ở. Nhờ đó sẽ tạo thêm nguồn cung căn hộ.

Còn Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, trong bối cảnh khó khăn bởi dịch Covid-19, gói tín dụng 3.000 tỷ đồng này không chỉ giúp phát triển nhà ở xã hội, mà còn thúc đẩy cả thị trường vật liệu xây dựng, nhân công, nội thất và kéo theo nhiều ngành nghề khác liên quan. Việc người dân có nhà riêng cũng sẽ kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác..., góp phần kích thích nền kinh tế phát triển.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Huy Khanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam - CTCP (Bộ Xây dựng) nêu dẫn chứng: "Trong quý I-2020, khi thị trường bất động sản sụt giảm cả về nguồn cung, sức cầu, nhu cầu về vật liệu xây dựng cũng giảm mạnh. Hiệp hội Xi măng Việt Nam thống kê, hiện tiêu thụ xi măng nội địa chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 48% so với cuối năm 2019".

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá: Nhà ở xã hội là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao dù dịch bệnh có làm cho tình hình kinh tế suy giảm. Do đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chính sách bù lãi suất và thúc đẩy các ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. “Chắc chắn sau dịch bệnh, nếu chúng ta phát triển mạnh xây dựng nhà ở xã hội sẽ giúp nền kinh tế sớm phục hồi”, ông Nguyễn Văn Đính nói.

Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển nhà ở xã hội, mới đây Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn. Đồng thời, đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Nguồn: Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)