Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011. Đến nay, sau hơn 8 năm, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai đồng bộ một khối lượng lớn các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... tuy nhiên, cũng còn những tồn tại cần kịp thời giải quyết.
Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, đến nay, đã phê duyệt 57/68 đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu (tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%). Triển khai lập và hoàn thành phê duyệt 05/05 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, một khối lượng lớn các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù,… Trong đó, quy hoạch phân khu đô thị trung tâm tổng số gồm 38 đồ án với tổng diện tích trên 76 nghìn hecta đang được triển khai lập và phê duyệt theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, sau hơn 08 năm triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Thành phố cũng đã nhận thấy một số các tồn tại, bất cập có thể kể đến như: Đồ án quy hoạch ngành, mạng lưới, lĩnh vực,... còn chưa đồng bộ với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất triển khai theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Công tác lập và thẩm định quy hoạch đô thị tuy đã đạt được khối lượng lớn nhưng còn chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Việc thực hiện phân cấp trong công tác quy hoạch của UBND cấp huyện còn nhiều lúng túng, một phần do quy định chưa rõ ràng, chưa xác định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị. Việc triển khai thực hiện quy hoạch sau khi phê duyệt còn chậm, nhất là ở các địa phương; còn thiếu nguồn lực và tính tập trung trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, cải tạo chung cư cũ, công tác giải phóng mặt bằng... khiến bộ mặt đô thị chưa được đồng bộ, khang trang. Triển khai đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội lớn (cấp vùng - liên vùng, cấp thành phố) còn chậm, phụ thuộc vào cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và năng lực nhà thầu. Quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế; việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng, nhà đất siêu mỏng siêu méo còn chậm so với yêu cầu.
Theo đánh giá của các sở ngành chức năng, những tồn tại trong thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là do khối lượng các đồ án quy hoạch rất lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn: Việc đồng thời tổ chức triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị với khối luợng lớn và yêu cầu cao về chất lượng là một thách thức; Nhiều dự án trên địa bàn phải được rà soát, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch, dự án khác mất nhiều thời gian và khó khăn cho công tác lập, thẩm định.
Bên cạnh đó, đội ngũ tư vấn có kinh nghiệm, năng lực lập các đồ án quy hoạch quy mô lớn là không nhiều. Hiện, đang tập trung chủ yếu vào Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) và đơn vị tư vấn của các Hội dẫn đến quá tải, không đảm bảo về tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. Sự đồng thuận của cộng đồng đối với một số quy hoạch chưa cao, đặc biệt là các quy hoạch về vệ sinh môi trường, xử lỷ chất thải rắn, xử lý nước thải, nhà tang lễ, nghĩa trang... chưa nhận được sự ủng hộ của người dân. Một số đồ án quy hoạch UBND Thành phố có chủ trương mời tư vấn nước ngoài thực hiện (Quy hoạch chi tiết làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc) còn gặp vướng mắc về đơn giá, định mức và kêu gọi tài trợ nên công tác phê duyệt dự toán và lựa chọn thầu kéo dài.
Trên cơ sở nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, thành phố xác định các giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tập trung nghiên cứu các công cụ quản lý nhằm tạo bản sắc, bộ mặt kiến trúc đô thị, đặc biệt là đối với khu vực nội đô cần cải tạo, chỉnh trang, tái thiết; khẩn trương triển khai quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý các khu vực quan trọng, đặc thù làm công cụ quản lý đô thị. Đối với khu vực nông thôn, tập trung triển khai hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng đặc thù, quy chế quản lý các thị trấn... làm công cụ quản lý và kêu gọi đầu tư, tạo động lực phát triển. Xây dựng và hoàn thiện “Chương trình phát triển đô thị” để triển khai theo định hướng quy hoạch, tập trung vào các khu vực phát triển như Đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, tạo các cực hút dân cư khỏi khu vực trung tâm Thành phố, tập trung ưu tiên giải quyết các dự án tạo động lực phát triển đô thị theo lộ trình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.
Thành phố Hà Nội cũng sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác di dời nhằm tạo quỹ đất phục vụ các công trình hạ tầng thiết yếu, công trình công cộng, tái thiết khu vực đô thị trung tâm; Rà soát bổ sung các địa điểm xây dựng công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn Thành phố nhằm giải quyết nhu cầu dân sinh bức xúc. Công bố công khai, bàn giao kịp thời các Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát các đồ án, dự án đã quá thời gian được giao thực hiện, đã được gia hạn, các dự án sử dụng sai mục đích,... báo cáo cấp thẩm quyền để kiên quyết thu hồi, tổ chức đấu giá hoặc tạo quỹ đất phục vụ đối ứng cho các dự án BT của Thành phố. Kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo tuân thủ các điều kiện điều chỉnh quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dụng, tuân thủ quy trình điều chỉnh theo quy định hiện hành, quy chế làm việc của Thành ủy, UBND Thành phố. Đặc biệt chú trọng nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo trong việc thực hiện chỉ đạo nhiệm vụ công việc liên quan đến công tác quy hoạch được giao.