Tổng quan ngành Xây dựng Mỹ

Thứ năm, 10/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trên thế giới, ngành Xây dựng luôn được coi là ngành kinh tế quan trọng, là bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân. Ở nhiều nước trên thế giới, trong bảng xếp loại các ngành tạo nguồn thu chủ yếu và sử dụng nhiều lao động của nền kinh tế, ta luôn thấy có tên ngành Xây dựng.
Ở Mỹ cũng vậy. Khi tổng kết bức tranh kinh tế toàn cảnh người ta thường chú ý tới 3 chỉ số: Việc sử dụng đất đai, việc sử dụng lao động và sản lượng. Những số liệu thống kê chính thức trong nhiều năm đã cho phép chúng ta cùng hình dung ra các nét cơ bản nhất của ngành Công nghiệp xây dựng Mỹ.
Tổng thể trong những năm trước đây, ngoại trừ những giai đoạn khủng hoảng kinh tế thì ngành công nghiệp xây dựng Mỹ được gọi vắn tắt là ngành 5%. Điều này có nghĩa là bình thường ngành Công nghiệp xây dựng Mỹ chiếm khoảng 5% GDP của cả nước, đóng góp 5% lợi tức quốc dân và tạo việc làm cho khoảng 5% lao động. So sánh tầm vóc, ngành Công nghiệp xây dựng lớn hơn một chút ngành trang trại rừng, ngư nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Tại đây ta thấy một số hãng lớn tham gia xây dựng đường sá, xây dựng công trình công cộng và các toà nhà thương mại hoạt động trên những khu vực nhất định, lớn hơn thì trên phạm vi toàn quốc. Trong ngành Xây dựng Mỹ, bộ phận xây dựng nhà được đánh giá là bộ phận rất quan trọng, thường liên quan đến các khoản tín dụng dài hạn nên trên thực tế nó thúc đẩy các khoản tín dụng dài hạn, thúc đẩy thị trường tín dụng. Đặc biệt cần lưu ý rằng trong ngành Xây dựng Mỹ chỉ có khoảng 25% đầu ra là các dự án công, còn lại tới 75% là các dự án xây dựng tư nhân.
Gần đây, ngành Xây dựng Mỹ đã đạt được những sự chuyển động theo hướng tăng trưởng. Về mặt sử dụng lao động, ngành Xây dựng Mỹ chiếm khoảng 6,3% lực lượng lao động trong cả nước, xếp trên các ngành giao thông và liên lạc 5,4%, Nông nghiệp 2,8%, dịch vụ công 1,3%, khai mỏ 0,55% và đứng sau các ngành Chính phủ và dịch vụ 35,8%, thương mại và buôn bán lẻ 20,6%, ngành Tài chính và bất động sản 10,4%. Về mặt giá trị sản lượng, ngành Xây dựng Mỹ đóng góp 4,8% , đứng trên các ngành dịch vụ công cộng 3%, nông nghiệp 2,2%, khao mỏ 1,5% và xếp sau các ngành chính phủ và dịch vụ 30,5% , chế tạo 18,7%, tài chính và bất động sản 17,4%, thương mại bán buôn và bán lẻ 16%, giao thông và liên lạc 5,9%.
Đầu thế kỷ 20, ngành Xây dựng Mỹ có khoảng 1 triệu lao động. Tới cuối thế kỷ 20, con số này là khoảng 6 triệu người và hiện nay là khoảng 6,93 triệu người. Vì ngành Xây dựng luôn mang tính thời vụ nên nhân lực trong ngành cũng thường biến đổi, không đồng đều trong năm. Thời gian sử dụng lao động nhiều nhất thường rơi vào mùa hè. Lực lượng lao động trong ngành Xây dựng Mỹ có tính chuyên nghiệp rất cao, có khoảng hơn 1 triệu người chuyên xây dựng nhà, hơn nửa triệu người chuyên xây đường quốc lộ và công nghiệp nặng. Hầu hết công nhân xây dựng Mỹ đều là thành viên của các nghiệp đoàn.
Theo các số liệu gần đây nhất 2003 – 2005 thì hiện nay ở Mỹ, ngành Xây dựng được coi là ngành lớn nhất, trực tiếp và gián tiếp đào tạo việc làm cho khoảng 15% lực lượng lao động và chiếm gần 15% GDP. Chi phí vật liệu trong xây dựng khá cao, chiếm khoảng 50% tổng chi phí và ngành Xây dựng Mỹ có mức sinh lời thấp, chỉ khoảng 2%. Hàng năm, các nhà thầu Mỹ thay mới khoảng 5 tỷ USD máy xây dựng. Trong 12 tháng qua tính tới cuối tháng 8 năm 2004, ngành Xây dựng Mỹ đạt mức giá trị sản lượng kỷ lục là 1020 tỷ USD tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong mối quan hệ nội tại ở nền kinh tế Mỹ, ngành Xây dựng đang ngày càng mở rộng vị thế của mình so với các ngành khác trên cơ sở ngày càng phát triển tỷ trọng đóng góp của ngành vào cuộc thu nhập quốc dân, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Lĩnh vực kiến trúc Mỹ được đánh giá bởi những luồng dư luận khá khác nhau. Song hầu hết đều tôn vinh những tên tuổi kiến trúc sư Lui Xulivan, Frank Lloyd Wright vào hàng những tài năng tầm cỡ thế giới. Có không ít những công trình kiến trúc nổi tiếng nước Mỹ và thế giới được xây dựng tại Mỹ là sản phẩm của bậc thầy kiến trúc không phải quốc tịch Mỹ. Đồng thời cũng có nhiều công trình nổi tiếng ngoài nước Mỹ là sản phẩm của các kiến trúc sư Mỹ tài danh.
Nghiên cứu ngành Xây dựng Mỹ trong mối tương quan với những ngành Xây dựng của các nước khác trên thế giới, chúng ta sẽ có dịp thấy thêm nhiều tính chất mới và tầm vóc của ngành Xây dựng được sản sinh từ một nền kinh tế khổng lồ là nền kinh tế Mỹ với tổng sản phẩm Quốc nội đạt tới hơn 10.000 tỷ USD.
Về mặt tầm vóc của thị trường xây dựng, nước Mỹ hiện đang đứng đầu thế giới với giá trị xây dựng trong năm đạt 1.039 tỷ USD, vượt xa Nhật Bản đứng thứ hai với 464 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ ba đạt 241 tỷ USD, Đức đứng thứ tư đạt 220 tỷ USD và Pháp đạt 173 tỷ USD đứng thứ năm.
Về công nghiệp sản xuất xi măng xương sống của ngành sản xuất vật liệu xây dựng hiện nước Mỹ đứng vào hàng thứ 3 thế giới với sản lượng khoảng 120 triệu tấn/năm, sau Trung Quốc giữ vị trí số 1 với sản lượng khổng lồ trên 1 tỷ tấn/năm và Ấn Độ đứng thứ hai với sản lượng khoảng 160 tirệu tấn/năm. Tính đến cuối năm 2004, nước Mỹ có khoảng 118 nhà máy sản xuất xi măng do 39 công ty kiểm soát nằm trên 38 bang và đạt giá trị hàng hoá khoảng 11 tỷ USD.
Hình như thế giới chúng ta đang sống, hiện có quán tính gắn liền với hình ảnh các nhà thầu xây dựng với hình ảnh của ngành Xây dựng, coi hình ảnh này là bức tranh phản chiếu rõ nét nhất. Dưới góc độ tầm vóc các nhà thầu xây dựng, nước Mỹ trong mấy năm gần đây luôn được xếp hạng ở các vị trí danh dự. Như chúng ta đều biết, trên thế giới hiện nay, các nhà thầu xây dựng, đặc biệt là các nhà thầu xây dựng lớn luôn nhận được sự quan tâm và ngưỡng mộ của xã hội. Họ thực sự là những nhân tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của nhân loại. Trong bảng xếp hạng các nhà thầu xây dựng lớn nhất thế giới năm 2004, cùng với Nhật Bản nước Mỹ được xếp thứ nhất với sự góp mặt của gần 20 nhà thầu khổng lồ với doanh số hơn 80 tỷ USD, đạt mức bình quân 4,37 tỷ USD/nhà thầu. Mới đây, trong bảng xếp hạng của năm 2005, ngành Xây dựng Mỹ đã bị Nhật Bản và Anh qua mặt, lùi xuống chỉ còn xếp thứ 3 trên thế giới với 14 nhà thầu xây dựng lớn được xếp hạng trong tốp 100 nhà thầu xây dựng lớn nhất thế giới Nhật Bản xếp thứ nhất với 18 nhà thầu, Anh xếp thứ hai với 16 nhà thầu. Với doanh số hơn 79 tỷ USD, chiếm 13,8% trên tổng số xếp thứ 2 sau các nhà thầu Nhật đứng đầu chiếm 23,2% – trung bình mỗi nhà thầu Mỹ đạt doanh số hơn 5,6 tỷ USD/năm, vượt xa mức bình quân của năm trước. Danh sách các nhà máy xây dựng lớn nhất nước Mỹ được đánh giá cao trong năm 2005 phải lần lượt kể tới những cái tên như: Bechtel thứ 4 thế giới, doanh số 17,4 tỷ USD, Halliburton Engineering & Construction Group đứng thứ 12 thế giới với doanh số 12,46 tỷ USD, Centex
15 thế giới với 10,36 tỷ USD, Flour 19 thế giới với 9,38 tỷ USD, Emcor Group 36 thế giới 4,74 tỷ USD, Facobs Engineering 40 thế giới với 4,59 tỷ USD, Peter Keiwit 58 thế giới với 3,07 tỷ USD, Washington Group International 70 thế giới với 2,91 tỷ USD, Foster Wheeler 74 thế giới với 2,66 tỷ USD, Granite Constructional 86 thế giới với 2,13 tỷ USD, Mc Dermott International 96 thế giới với 1,92 tỷ USD, Chicago Bridge & Ion 97 thế giới với 1,89 tỷ USD...
Như vậy, rõ ràng ngành Xây dựng Mỹ đang gặp những khó khăn rất khó để vượt qua để có thể duy trì được vị trí sô 1 thế giới của mình. Điều này hình như cũng liên quan đến 1 dự đoán gần đây cho rằng chỉ khoảng vài chục năm nữa, nước Mỹ sẽ phải chia tay với vị trí số 1 thế giới của mình về tầm vóc của nền kinh tế.
Bộ phát triển nhà ở và đô thị của Mỹ đóng góp phần không nhỏ trong việc tạo nên 1 ngành Xây dựng Mỹ có tầm vóc đáng nể như hiện nay. Bộ này quản lý các chương trình giúp hỗ trợ phát triển cộng đồng và giúp cung cấp nhà ở với giá cả phải chăng do Bộ này thực thi nhằm đảm bảo cho các cá nhân và gia đình có thể mua được một căn hộ mà không phải chịu tình trạng kỳ thị trong vấn đề nhà ở. HUD điều hành các chương trình bảo hiểm cầm cố để giúp các gia đình trở thành người chủ của căn nhà và 1 chương trình bao cấp tiền thuê cho các gia đình có thu nhập thấp mà nếu không có chương trình này họ không thể có tiền trả cho 1 căn hộ tươm tất. HUD còn điều hành các chương trình viện trợ cho việc xây dựng lại các vùng lân cận, tránh cho các trung tâm đô thị khỏi những khu ổ chuột và khuyến khích phát triển những cộng đồng mới. HUD cũng bảo vệ những người mua nhà trên thị trường và xúc tiến các chương trình khuyến khích ngành xây dựng nhà ở. Ngân sách chi tiêu hàng năm của HUD thường dao động ở mức 30 tỷ USD/năm.
Không còn bao lâu nữa, tiến trình Hội nhập thị trường thế giới bao la đầy sóng gió của chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thử lửa đặc biệt. Việc mở cửa thị trường xây dựng, cắt giảm bảo hộ...chắc chắn đang gõ cửa rất gần. Chúng ta cần nhanh chóng tìm hiểu kỹ tình hình mới, đôi stác mới để hoà nhập sức mạnh cùng tiến lên.
Tóm lại, trong khuôn khổ nền kinh tế Mỹ khổng lồ thì ngành Xây dựng Mỹ được coi là ngành quan trọng. Trên bình diện thế giới, ngành Xây dựng Mỹ được coi là gã hổng lồ đang cật lực giành giật vị trí số 1 vốn đã lung lay của mình.


Nguồn tin: Tạp chí Người Xây dựng số 7 năm 2006

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)