Tổng Công ty lắp máy Việt Nam: Nhà thầu chạy thử nhiệt điện đầu tiên tại Việt Nam

Thứ năm, 21/05/2015 16:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một doanh nghiệp cơ khí có thể đảm nhận tới 50% công việc chạy thử của một nhà máy nhiệt điện - đó là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) tại công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (thuộc huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh).

Toàn cảnh nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (ảnh: Viết Bình)

Những ngày này, khi tổ máy số 2 vừa đưa vào vận hành thương mại bàn giao cho chủ đầu tư, nhà máy cũng đang chuẩn bị khánh thành, những người thợ lắp máy mới thực sự tự hào về một công trình thế kỷ mà họ đã hoàn thành với vai trò làm tổng thầu EPC. Không tự hào sao được khi đây là dự án chạy than công suất 600MW có quy mô đồ sộ với công nghệ phức tạp nhất Việt Nam hiện nay; giá thầu thấp, điều kiện thi công vô cùng khắc nghiệt… Song điều đáng nói và đáng tự hào nhất tại dự án này, đó là với một dự án lớn, phức tạp nhưng LILAMA đã chủ động hết, nhất là về kết nối các giao diện với nhau một cách tương thích và đồng bộ. Và kết quả đạt được lớn nhất mà những cán bộ, kỹ sư, công nhân LILAMA đạt được là đưa công suất tổ máy lên 632MW.

Đặc biệt, có thể nói, đây là dự án mà LILAMA đã phát huy được nội lực cao nhất khi làm tổng thầu EPC, cả về trình độ thi công, quản lý. Nếu như ở dự án khác, lực lượng chạy thử chỉ là giám sát thì ở đây, LILAMA đã đào tạo được đội ngũ chạy thử hùng hậu, có kinh nghiệm đảm nhận tới 50% công việc của nhà máy.

Điều đáng nói, tại Việt Nam, trước đây cũng đã có một số DN ngoài ngành chạy thử được nhưng chỉ ở phần điện. Còn với phần thiết bị công nghệ dạng lò hơi, tua bin thì LILAMA là doanh nghiệp cơ khí đầu tiên trong nước thực hiện được phần việc này.

Kỹ sư Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban dự án điện Vũng Áng 1 LILAMA cho biết: “Phần chạy thử chỉ chiếm 5% toàn bộ khối lượng công việc nhưng lại rất quan trọng. Đây là một công việc phức tạp, có thể liên quan đến tính mạng, tài sản của một dự án lớn. Chạy thử là công đoạn cuối cùng để kiểm tra toàn bộ phần thiết kế xem có đạt được yêu cầu hay không? Có rất nhiều công đoạn sau khi lắp đặt xong như: Chạy thử từng thiết bị đơn lẻ một, sau đó từng hệ thống nhỏ, rồi mở rộng ra... rồi mới tiến hành công đoạn cuối cùng là hiệu chỉnh. Ngoài ra, tất cả hệ thống điện dự phòng đều được chạy thử để kiểm tra độ ổn định”. Trước đây, toàn bộ công việc này được giao cho nhà thầu nước ngoài. Còn tại dự án này, các kỹ sư LILAMA là những người đưa ra quyết định. Và thực tế đã chứng minh đây là một quyết định đúng đắn khi tỷ trọng công việc do các kỹ sư LILAMA đảm nhiệm ngày càng cao, tham gia sâu vào chuỗi các công việc, đóng góp không nhỏ vào sự thành công của dự án. “Qua dự án, các thế hệ kỹ sư lắp máy trưởng thành lên rất nhiều. Trước đây mình chuyên đi lắp, sau đó là phối hợp, giờ thêm chạy thử đã thể hiện sự tham gia sâu hơn nữa của LILAMA vào trong một dự án. Đây cũng có thể coi là khâu đột phá nữa tại dự án này”, kỹ sư Sơn khẳng định.

“Để đạt được điều đó, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khâu là vô cùng quan trọng. Trong một dự án lớn như Vũng Áng, có nhiều gói thầu nhỏ với nhiều nhà thầu tham gia, và tổng thầu EPC LILAMA phải làm sao kết nối được các hạng mục, các nhà thầu với nhau để làm việc một cách trơn chu. Và giờ đây, tại LILAMA, ai cũng có thể làm được điều đó”, kỹ sư Nguyễn Duy Lợi, Phó Tổng Giám đốc LILAMA 18, nguyên Giám đốc Ban dự án điện Vũng Áng 1 LILAMA chia sẻ.

Đánh giá về những thành công của LILAMA tại dự án này, ông Nguyễn Xuân Dũng, Trợ lý Giám đốc Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh khẳng định: “Trong số những dự án nhiệt điện chạy than bàn giao 5 - 7 năm gần đây thì đây Vũng Áng 1 là dự án tốt nhất, đặc biệt là ở phần chạy thử. Tất nhiên vẫn còn một số lỗi phải khắc phục nhưng không quá lớn và đã khắc phục được”.

Thành công của LILAMA tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã mở ra một hướng mới trong lĩnh vực chạy thử đối với các dự án sau này, mà trước mắt là Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. Điều đó cũng mở ra một ngành nghề mới cho LILAMA trong hành trình trở thành nhà thầu chạy thử chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy được xây dựng tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp của các nước G7. Khi đi vào hoạt động, nhà máy đóng góp cho lưới điện quốc gia 7,2 tỷ KWh/năm, doanh thu bán điện khoảng 289 triệu USD/năm (tương đương khoảng 4.900 tỷ đồng).


Theo Lilama.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)