Đón Tết trên công trường

Thứ tư, 18/01/2012 10:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mùa xuân thứ hai lại tràn về khắp công trường thủy điện Lai Châu khi mà hàng ngàn CBCNV vẫn đang miệt mài làm việc để hoàn thành đúng tiến độ. Thế là lại một năm nữa, một nửa trong số những con người ấy được ăn Tết trên công trường. Cũng với hoa đào, bánh chưng, câu đối đỏ… nhưng Tết của họ còn là những niềm vui trong ca làm việc chẳng quản ngày đêm.

Đổi thay cho cuộc sống mới

Những ngày giáp Tết, khi cái lạnh đã bắt đầu bao trùm miền Tây Bắc, khi mùa xuân đang mơn chớn trên những cánh hoa đào ven rừng, chúng tôi có dịp trở lại công trường Thủy điện Lai Châu - nhà máy thủy điện trên sông Đà được xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Men theo con đường ngoằn ngoèo nằm vắt vẻo trên các sườn núi, chúng tôi đi tiếp vào tỉnh lộ 127 dẫn đến công trường thủy điện tại huyện Mường Tè. Nhiều đoạn của tỉnh lộ 127 giờ đã được nâng cao tránh ngập, đường rộng tráng nhựa phẳng phiu, hai ôtô tải tránh nhau dễ dàng, lối vào công trường đã rộng thênh thang… Mỗi sự khởi đầu đều gắn với những vất vả, gian nan, và đối với những con người làm thủy điện thì khó khăn đến mức nào cũng được coi là nhỏ, vì họ có năng lực, có quyết tâm và chẳng sợ cuộc sống đơn điệu miền sơn cước. Nhờ những nỗ lực như thế, mà chỉ trong thời gian một năm, họ đã làm thay đổi diện mạo của miền đồi núi hiểm trở. Mọi thứ trên công trường đã bắt đầu có hình hài và thay đổi trông thấy. Một năm trước, khi tôi đến, mọi thứ mới chỉ là bắt đầu, vậy mà sau 1 năm, mọi thứ đã thay đổi đến chóng mặt. Thay đổi từ con đường dẫn vào công trường, từ những cây cầu hiên ngang vắt qua những dải núi và chễm chệ giữa lòng sông, đến những dãy nhà công nhân khang trang, sạch đẹp.

Tôi lang thang bước trên lối đi dẫn vào khu nhà điều hành của BQL công trình thủy điện Lai Châu thuộc tập đoàn EVN. Các anh trong Ban hồ hởi khoe: “Năm ngoái thì còn “nham nhở” chút, chứ năm nay, chúng tôi cũng đã xây dựng được cơ bản các dãy nhà phục vụ chỗ ở cho khoảng 3.500 công nhân trên công trường rồi đấy! Không những thế, hệ thống điện nước sinh hoạt đã cơ bản hoàn thành đáp ứng nhu cầu sử dụng cho mọi người đỡ phải vất vả”.

Chỗ ở khang trang, lại thêm những luống rau xanh tự cung tự cấp nên cuộc sống của cán bộ, công nhân ở đây đã bớt đi nỗi buồn khi xa quê biền biệt. Một anh cán bộ vừa rời khỏi phòng làm việc, đã kịp sắn tay áo để tỉa rau bông đùa rằng: Ở trên này nhiều khi thiếu thốn tình cảm gia đình, nên anh em chúng tôi tự trồng rau, nuôi gà cho đỡ nhớ quê. Thêm đó, lại có rau sạch cải thiện bữa ăn.

Công trường vào xuân

Trời đã về chiều, chúng tôi được anh Phương - Phó trưởng BQLDA Thủy điện Sơn La - Lai Châu cùng các anh em trong BQL đưa đi thăm công trường một vòng. Cách BQL chừng vài cây số, tiếng máy khoan, máy xúc, tiếng gầm rú của hàng trăm chiếc xe tải… đã vang lên, khiến tôi càng tò mò và háo hức hướng về công trường. Dưới bàn tay của những người thợ thuộc Tập đoàn Sông Đà, TCty Trường Sơn, TCty Xây dựng và Phát triển hạ tầng LICOGI... từng thi công thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, chỉ trong một năm mà công trường thủy điện Lai Châu đã dần có “hình thù”, giống như một chàng trai khổng lồ vươn mình thức giấc. Chính vì thế, sự thay đổi hàng ngày, hàng giờ ở nơi đây khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Sau một đêm mưa nhẹ, con đường dẫn vào công trường trở nên lầy lội hơn. Hai bên bờ trái và bờ phải của thủy điện đã hình thành nên những mái taluy vững chắc. Đứng từ xa nhìn lại, máy móc, xe tải và công nhân được thu nhỏ như thế giới của những người tí hon. Cả người và máy móc cứ miệt mài, cặm cụi làm việc theo ca, theo kíp… không quản mệt nhọc, mưa gió cho kịp tiến độ công trình. Từ nơi tôi đứng nhìn lên cao khoảng mấy chục mét, hàng chục công nhân công trường và người dân địa phương đang khệ nệ khiêng những mảng bê tông đúc sẵn để áp kề gia cố mái ta-luy. Long - một kỹ sư trẻ thuộc BQL chỉ về hướng những người thợ tí hon phía trên cao đang làm việc ẩn hiện trong màn sương trắng nói với tôi: Ở độ cao này, nhiều khi máy móc cũng chịu thua, không thể đưa vật liệu lên đó được. Chính vì thế, công nhân công trường ở đây làm thủ công là chính. Đối với một số công việc khuân vác, có thể thuê cả người dân địa phương, nhưng đôi khi chẳng có người làm mà thuê ấy chứ! Nhìn lên thì thấy gần thế thôi, chứ để leo lên đó cũng mất nửa buổi đấy chứ ít đâu.

Cứ tưởng tượng, trên độ cao như vậy, lại làm việc trong điều kiện khắc nghiệt với mùa đông thì lạnh và sương, mùa hè thì nóng và rát, lúc mưa rầm rả rích thì trơn trượt… lại thêm với việc lao động thủ công tốn sức, tưởng chừng như công việc chẳng biết khi nào mới kết thúc. Ấy thế mà, mới chưa đầy 1 năm, những mái ta-luy gia cố vững chắc đã dần hiện ra bên hai bờ của thủy điện. Đúng là sức người thật vĩ đại. Anh Phương vui vẻ cho chúng tôi biết: Đến thời điểm này, tổng mặt bằng thi công công trình thủy điện Lai Châu đã hoàn thành được một số hạng mục quan trọng phục vụ vận chuyển thiết bị, vật tư vật liệu qua sông Đà từ đầu tháng 02/2011 để thi công công trình dẫn dòng. Đó là hệ thống giao thông nội bộ công trường thủy điện như đường NT1, NT9, NP1, cầu Nậm Nàn, NT3, NT10, cầu qua sông Đà; 3 trạm trộn bê tông với công suất mỗi trạm 120m3/h và trạm nghiền sàng 350 nghìn m3/năm đã hoàn thành. Trong các hạng mục chính và công trình dẫn dòng, thì công tác đào hố móng đợt 1 vai phải; đào mở rộng hố móng vai trái đã hoàn thành. Thêm đó, đê quây giai đoạn 1 đợt 1 (mùa kiệt) đến cao trình 206m để chống lũ mùa kiệt và đê quây giai đoạn 1 đợt 2 đến cao trình 208,5m cũng đã hoàn thành. Công tác thi công bê tông cốt thép tường thượng lưu; cống dẫn dòng đáp ứng yêu cầu đắp đê quây phục vụ chống lũ 2011.

Theo BQL thủy điện, vào cuối tháng 12/2011, các nhà thầu đã nỗ lực tập trung lực lượng, phương tiện thi công chống thấm, bơm hút nước hố móng công trình dẫn dòng thi công để có thể tổ chức vệ sinh, dọn nền móng và đổ bê tông kênh, cống dẫn dòng. Ngoài ra, các công việc đào hố móng vai trái vẫn theo tiến độ công trình; bóc phủ mỏ đá, khai thác đá, sản xuất cốt liệu phục vụ thi công và triển khai xây dựng các hạng mục phụ trợ, lán trại để đáp ứng yêu cầu phục vụ thi công theo tiến độ thi công.

Nếu chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành cho ai?

Không khí Tết bên ngoài rộn ràng bao nhiêu thì anh em công nhân làm việc trên công trường háo hức bấy nhiêu. Tuy vậy, để kịp tiến độ, nhiều khi những “chiến sĩ” ấy lại chẳng thể được nghỉ để về quê sum họp bên gia đình. Vẫn công việc hàng ngày, vẫn phải cố nén cảm xúc, phân theo các khu khác nhau, mỗi tốp công nhân lại miệt mài với nhiệm vụ của mình. Nhìn công việc họ làm thì vất vả nhưng tiếng cười nói vẫn rôm rả khiến nỗi mệt nhọc dường như tan biến. Nhóm thanh niên làm việc gần hố móng có vẻ đã thấm mệt sau những giờ làm việc. Quần áo, chân tay lúc nào cũng bê bết bùn, vậy mà họ vẫn cứ cười thật tươi. Có khi còn tranh thủ kể một vài câu chuyện phiếm, hoặc ai bột miệng nói câu gì đó ngồ ngộ… là cả nhóm lại phá cười. Khi được hỏi chuyện, một thanh niên cho biết: “Chúng em ở đây toàn thanh niên trẻ mới lên công trường. Công việc ở đây tuy vất vả, lại thiếu thốn tình cảm, nên chúng em phải cố gắng biết tạo niềm vui ngay khi làm việc thôi. Từ giờ đến Tết, công trường còn nhiều việc quá, chưa biết tụi em có về ăn Tết được không nữa?”.

Chẳng cứ gì anh em công nhân mà hàng trăm kỹ sư, CBCNV trên công trường cũng mong chờ ngày về đón Tết bên gia đình. Thế nhưng, vì ánh điện ngày mai của tổ quốc, vì công việc thầm lặng mà vĩ đại này, họ lại cố gắng quên đi hạnh phúc cá nhân, đành lòng gửi gắm những dòng tâm sự về với quê nhà để ở lại công trường đón Tết và tiếp tục nhiệm vụ. Trong lúc nghỉ giải lao, một số kỹ sư nói với tôi: “Trong những cán bộ công tác ở đây, phần lớn đã chinh chiến qua các công trình thủy điện, nên có người ăn Tết công trường vài năm chứ ít gì đâu. Tết thì ai cũng muốn về, nhưng vẫn phải có người ở lại để điều hành công việc, nên anh em cũng lựa việc mà nhường nhau cho người nào bận gia đình thì về trước, số còn lại đợi về nghỉ sau Tết vẫn vui…”. Thế mới thấy, họ luôn có mong ước thật giản dị trong khi thực thi một công việc vĩ đại, lớn lao.

Xuân với họ còn là nhiệm vụ, nên để đảm đảo tiến độ đề ra của dự án là thi công các hạng mục dẫn dòng thi công giai đoạn 1 đảm bảo chống lũ năm 2011 an toàn, thực hiện lấp sông vào tháng 3/2012, phát điện tổ máy số 1 vào quý I/2016 và hoàn thành toàn bộ công trình đầu năm 2017… Vì thế, hàng nghìn con người cùng máy móc thiết bị đều không quản ngại ngày đêm thi công công trình mặc cho Tết đến xuân về. Kế hoạch ở lại đón Tết đã được BQL, Ban Điều hành tổng thầu Thủy điện Lai Châu đưa ra. Theo đó, một số anh em sẽ được nghỉ trước Tết, số còn lại vẫn phải làm việc và đón Tết trên công trường, và vẫn có bánh, vẫn có hoa đào, rượu cần… Nghĩ về Tết, thoáng trên gương mặt những anh em phải ở lại trực có chút nét buồn, nhưng đã quen với gian khó, đã quen với việc đón Tết trên công trường nên trong lòng họ vẫn vang lên câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành cho ai…?”

Khối lượng công việc thi công thủy điện mỗi năm lại tăng lên, nên nhiệm vụ trên vai những CBCNV thủy điện vì thế mà càng lớn. Mỗi hạng mục hoàn thành đều thấm đượm những giọt mồ hôi, công sức của bao thế hệ công nhân. Và lại một cái Tết nữa, hàng nghìn công nhân phải nén lại niềm vui riêng để ở lại với công trường…


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)