Tái cấu trúc doanh nghiệp: Nhìn từ đơn vị thí điểm ngành Xây dựng

Thứ tư, 18/01/2012 09:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các Tập đoàn, TCty nhà nước là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta đã được xác định tại hội nghị Trung ương 3 Khóa XI của BCH Trung ương Đảng. Mục tiêu của tái cấu trúc DNNN là nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của DNNN, hình thành các DNNN vững mạnh đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu, rộng như hiện nay.

Đây là yêu cầu tất yếu, phù hợp với tiến trình chuyển đổi từ phát triển kinh tế theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, để DNNN thực sự khẳng định vai trò then chốt của khu vực kinh tế nhà nước. Các DNNN, đặc biệt là các Tập đoàn, TCty đã bảo đảm sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các DNNN vẫn duy trì được hoạt động và có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực nhằm ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Năm 2012 được xác định là cột mốc thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ trên các lĩnh vực của nền kinh tế mà Chính phủ hoạch định. Với những định hướng rõ ràng trong tiến trình tái cấu trúc, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam - tập đoàn đầu tiên của ngành Xây dựng đã có những đổi mới nâng cao năng lực hoạt động.

Phương án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tập đoàn giai đoạn 2011 - 2015 theo đề án thí điểm, với mục tiêu của chiến lược là xây dựng Tập đoàn thành DN hoạt động tập trung, tài chính mạnh, hiệu quả, trở thành nhà thầu mạnh trong khối ASEAN. Mục đích là tăng quy mô và chuyên môn hóa, giảm bớt đầu mối, tránh cạnh tranh nội bộ. Trong chiến lược phát triển, Tập đoàn đã đặt ra kế hoạch: Về đầu tư phát triển với tổng giá trị thực hiện đầu tư 57.831 tỷ đồng, trong đó các lĩnh vực đầu tư chủ yếu bao gồm: Phát triển nhà và đô thị 14.793tỷ đồng, chiếm 26% tổng vốn đầu tư chung toàn Tập đoàn; Đầu tư vào lĩnh vực xi măng 12.758 tỷ đồng, bằng 22%; Đầu tư các dự án sản xuất VLXD khác là 1.931 tỷ đồng, bằng 3%; Đầu tư vào các dự án điện 14.527 tỷ đồng, chiếm 25%; Đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng 1.846 tỷ đồng bằng 3%; Đầu tư vào lĩnh vực mua sắm thiết bị, nâng cao năng lực thi công 3.542 tỷ đồng, bằng 6%; Đầu tư vào các lĩnh vực khác 6.667 tỷ đồng, bằng 12%. Tổng doanh thu 71.973 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm là 28%; Tổng lợi nhuận trước thuế 5.492 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm 17%; Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân hàng năm là 16,84%. Nộp ngân sách đạt 4.508 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 24,8%.

Theo ông Dương Khánh Toàn - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sông Đà, nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, Tập đoàn đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, bước đi nhằm tái cấu trúc DN trong giai đoạn 2011 - 2015, trong đó tập trung tái cấu trúc Tập đoàn Sông Đà - Cty mẹ trong Tập đoàn trước… Hình thành các TCty chuyên ngành thuộc các lĩnh vực: Xây dựng (dân dụng, công nghiệp, thủy điện), thi công cơ giới, chế tạo cơ khí và tổ hợp lắp đặt thiết bị, xây dựng công trình ngầm và giao thông đô thị, đầu tư BĐS, xi măng, gang thép, điện lực... Đồng thời tái cấu trúc lại tài chính cho các DN để nâng cao tiềm lực tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu cho SXKD và đầu tư phát triển của đơn vị. Trong đó chú trọng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề cho phù hợp: Giảm tỷ trọng SXKD xây lắp, tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Hoàn thành CPH tất cả các DN còn lại của Tập đoàn.

Nâng cao tiềm lực tài chính của Tập đoàn và của các đơn vị thành viên, giải pháp tài chính đã được đề ra là đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn đối ứng và các nguồn vốn huy động khác để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư các dự án, với tổng số vốn trong 5 năm (2011 - 2015) khoảng 100 nghìn tỷ đồng; trong đó vốn đối ứng khoảng 30 nghìn tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 70 nghìn tỷ đồng để thực hiện đầu tư trong 5 năm với tổng giá trị khoảng 120 nghìn tỷ đồng.

Từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên đã xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển thị trường hoạt động SXKD theo từng lĩnh vực, từng ngành nghề để đảm bảo mở rộng sản xuất, đầu tư, cũng như giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu và khai thác có hiệu quả thương hiệu của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có những góp ý sát thực với việc tái cấu trúc Tập đoàn, theo ông tái cơ cấu DNNN sẽ phải xây dựng, hình thành được một số tập đoàn có quy mô lớn có thể cạnh tranh quốc tế; DNNN có thể cạnh tranh khu vực và một số DNNN, Tập đoàn, TCty có vai trò đầu tàu, dẫn dắt, điều tiết kinh tế trong phạm vi quốc gia. Đồng thời cần làm sớm việc phân loại từng nhóm DN như DNNN nắm 100% vốn, DNNN nắm trên 75% vốn, DNNN nắm từ 65 - 75% vốn hoặc nhóm DNNN không nắm cổ phần chi phối…

Trong thời điểm này, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam thực hiện tái cấu trúc là khá thuận lợi. Thứ nhất, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án tái cấu trúc DNNN trình Chính phủ và Bộ sẵn sàng hỗ trợ Tập đoàn trong quá trình tái cấu trúc, nâng cao quản trị Cty. Thứ hai, Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế trên các lĩnh vực lớn: Tái cấu trúc về đầu tư công; tái cấu trúc DNNN trong đó tập trung vào các Tập đoàn, TCty nhà nước và thực hiện tái cấu trúc lại hệ thống Ngân hàng thương mại; đồng thời TCty Sông Đà trước đây đã được ADB tài trợ thực hiện tái cấu trúc về quản trị Cty. Trước các thuận lợi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Trưởng ban chỉ đạo xây dựng đề án tái cấu trúc mong rằng, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng sẽ là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đi đầu với quyết tâm cao thực hiện thành công tái cấu trúc DN và làm cơ sở thực tiễn để các Tập đoàn, TCty nhà nước khác tham khảo rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện...

Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam được Thủ tướng quyết định thí điểm thành lập theo Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 12/01/2010, do Tập đoàn Sông Đà làm nòng cốt và TCty Lắp máy Việt Nam; TCty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng; TCty Cơ khí Xây dựng; TCty CP Sông Hồng; TCty CP Đầu tư và Phát triển Xây dựng tham gia. Các TCty hiện có 41 Cty con và Cty liên kết. Tập đoàn thực hiện kinh doanh đa ngành, trong đó xây dựng và tổng thầu xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông, công nghiệp, cơ khí chế tạo và sản xuất VLXD... là ngành nghề kinh doanh chính.

 

Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)