Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng: Tạo bước chuyển mạnh mẽ

Thứ hai, 18/07/2016 13:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ phải thực hiện một khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) rất lớn để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội và đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Do vậy, Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XVI) về công tác GPMB (đang được lấy ý kiến) nhằm làm rõ, khắc phục những tồn tại, qua đó đưa ra các giải pháp, tạo bước chuyển mạnh mẽ cho việc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại đã nhận được sự quan tâm.

Đường Trần Khát Chân kéo dài đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Toàn Vũ

Một dự án... ba lần sửa luật

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn, các dự án có diện tích GPMB lớn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Đơn cử như dự án đường Trần Khát Chân, thời gian kéo dài qua 3 lần sửa đổi Luật Đất đai. "Để làm tốt công tác GPMB, trước hết quỹ nhà tái định cư phải nâng cao diện tích và chất lượng hạ tầng. Chính sách giá đền bù cũng cần sát thực tế để người dân đỡ thiệt thòi. Việc GPMB cần được tập trung chỉ đạo đồng bộ, dứt điểm; chính sách GPMB phải nhất quán, không nên để một dự án "xuyên qua" nhiều chính sách, gây khó khăn cho chính quyền, gây tâm lý so bì trong nhân dân. Cùng với đó, công tác vận động, thuyết phục phải đi đôi với biện pháp hành chính cương quyết, dứt khoát" - ông Lâm Anh Tuấn đề nghị.

Từ kinh nghiệm GPMB Dự án đường Vành đai 2, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết, quan điểm chỉ đạo của quận là bảo đảm đúng quy định của Nhà nước, công bằng, minh bạch và công tâm. Để có sự đồng thuận của các hộ dân, quận đã vận dụng những chính sách có lợi nhất cho người dân; cái gì người dân đúng thì phải rà soát, kiểm tra để sửa đổi, bổ sung. Cái gì chưa đúng thì thuyết phục người dân chấp hành.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Phó Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì, xác định nguồn gốc đất để lên phương án bồi thường rất phức tạp, do nguồn gốc sử dụng đất đa dạng, quá trình sử dụng và hình thành tài sản trên đất diễn ra trong thời gian dài, trong khi hồ sơ quản lý không đầy đủ. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm đất công, tự chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở trong các giai đoạn trước đây, gây khó khăn trong việc thu hồi đất, GPMB.

Theo đánh giá của nhiều địa phương, hầu hết các dự án trọng điểm đều phải cưỡng chế thu hồi đất ở giai đoạn cuối. Tuy số hộ phải cưỡng chế không nhiều nhưng ảnh hưởng lớn đến thi công và tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án. Mặt khác, khiếu kiện trong quá trình thu hồi đất và sau GPMB, sau khi bố trí tái định cư ở nhiều dự án vẫn diễn biến phức tạp.

Tạo bước chuyển mạnh mẽ

Theo ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB thành phố, công tác GPMB rất phức tạp, khối lượng công việc lớn nên từ năm 2000, Thành ủy Hà Nội (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TU (ngày 13-7-2000) và HĐND thành phố (khóa XII) ban hành Nghị quyết 09/2000/NQ-HĐ (ngày 21-7-2000) lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ này. Năm 2006, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp tục có Chỉ thị 07-CT/TU (ngày 11-12-2006) về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi GPMB, thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020 và căn cứ danh mục 52 dự án, công trình trọng điểm đã được Ban Thường vụ Thành ủy khóa XVI thông qua, công tác GPMB trên địa bàn thành phố được dự báo rất lớn, với khoảng hơn 80.000 hộ dân, diện tích thu hồi gần 6.000ha đất, số tiền bồi thường, hỗ trợ dự kiến khoảng 60.000 tỷ đồng, bố trí tái định cư cho khoảng 19.000 hộ dân... Vì thế, việc ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về công tác GPMB, khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo là hết sức quan trọng.

Dự thảo Nghị quyết đang được bàn thảo, lấy ý kiến đóng góp, nhằm làm rõ những mặt chưa làm được và có biện pháp khắc phục cụ thể, qua đó tạo bước chuyển mạnh mẽ phục vụ cho việc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Cùng với yêu cầu, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ thu hồi đất GPMB, Dự thảo Nghị quyết đưa ra nhiều điểm mới như: Đối với các dự án đầu tư quy mô lớn, những dự án theo tuyến, xem xét tách việc GPMB thành tiểu dự án và giao nhiệm vụ cho các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện GPMB; xây dựng đề án rà soát, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy thực hiện GPMB, từ thành phố đến cấp huyện, theo hướng giảm đầu mối, cải cách hành chính...

Giai đoạn 2010-2015, trên địa bàn thành phố có 2.571 dự án phải GPMB, trong đó đã hoàn thành công tác thu hồi đất 1.621 dự án, với tổng diện tích đất hơn 8.060ha đất; đã chi trả hơn 52.355 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 203.746 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; đã bố trí tái định cư cho 9.737 hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở. Đến hết tháng 3-2016, thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 15.209 căn hộ tái định cư. Thành phố đang triển khai 22 dự án chung cư tái định cư, với 7.273 căn hộ; chưa kể dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư theo hình thức xã hội hóa, với 2.894 căn hộ...


Theo Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)