Sau những cơn mưa lớn hơn 100 mm/ngày đêm, trên các tuyến phố Ngọc Lâm, Nguyễn Sơn, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Như Tiếp, Cổ Linh, Nguyễn Văn Linh, đường dẫn cầu Vĩnh Tuy… đều ngập úng cục bộ, người dân đi lại rất khó khăn. Điển hình là trận mưa lớn xấp xỉ 200 mm vào đêm 21 đến sáng 22- 9-2015 đã gây úng ngập khá nặng nề tại nhiều khu vực trên địa bàn quận. Không chỉ giao thông bị đình trệ, mà nước còn tràn vào nhiều hộ gia đình làm hư hỏng đồ đạc và ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Tuyến phố Ngọc Lâm dài tới 3 km đã bị ngập sâu trong vài ngày, có đoạn nước sâu tới 1 m, người dân sinh hoạt rất khó khăn do bị cắt điện, không thể đi lại…
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do địa bàn quận Long Biên thuộc lưu vực sông Cầu Bây vẫn thoát nước theo hình thức tự chảy. Toàn bộ lượng nước mưa và nước thải chảy về các tuyến cống trục chính thoát ra sông Cầu Bây, về hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Cửa xả cuối cùng của hệ thống thoát nước ra sông là cống điều tiết Đập Trại Lợn (công suất thiết kế chỉ đáp ứng khả năng tiêu thoát nước với lượng mưa đến 100 mm/ngày đêm). Trong khi đó, địa hình quận lại có dạng lòng máng cao theo ven đê sông Đuống và sông Hồng, thấp dần về quốc lộ 5, có những khu vực trũng cục bộ gây khó khăn cho công tác tiêu thoát nước.
Để bảo đảm tiêu thoát nước trên địa bàn vào mùa mưa năm nay, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 5 (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) Nguyễn Trọng Tuấn cho biết: Đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch thoát nước theo thứ tự các khu vực ưu tiên, đồng thời bảo dưỡng, sửa chữa các trang thiết bị. Đã tiến hành bảo dưỡng các trạm bơm Tai Trâu, Cầu Tình, Cầu Chui, Phúc Đồng, Hồ Vục; bố trí sẵn sàng các phương tiện như xe bơm di động và các tổ bơm dã chiến, máy phát điện, máy bơm nước, xe hút bùn, xe hút chân không… Mục tiêu đặt ra là đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, giảm nhiều nhất số điểm và thời gian úng ngập cục bộ; bảo đảm không có điểm úng ngập với các trận mưa dưới 100 mm/ngày đêm và không để xuất hiện các điểm úng ngập phát sinh.
Hiện nay, xí nghiệp tập trung giải quyết các tiểu lưu vực hay xảy ra úng ngập trong mùa mưa và các trục giao thông chính. Cụ thể: Công tác nạo vét tại các khu vực này được duy trì thường xuyên; giữ mực nước trên toàn bộ hệ thống mương, sông, hồ theo đúng quy định; vận hành các trạm bơm ổn định, kết hợp các trạm bơm di động bơm hạ mực nước trên hệ thống đến mức thấp nhất và chủ động vận hành khi xảy ra mưa to trên diện rộng. Bên cạnh đó, xí nghiệp còn nghiên cứu cải tạo cống, nhất là các cống trên mương nông nghiệp trước đây hiện tham gia thoát nước đô thị, nhằm tăng cường khả năng lưu thoát. Công tác kiểm tra để bổ sung các ga thu, giải tỏa các loại bục bệ cản trở thoát nước và xử lý các công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến hệ thống được đặc biệt quan tâm. Trong đó, xí nghiệp kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng thỏa thuận về biện pháp dẫn dòng thi công, đấu nối vào hệ thống thoát nước chung.
Một số công trình đã và đang được triển khai nhằm giải quyết điểm úng ngập: Cải tạo thoát nước đường Nguyễn Văn Cừ để giải quyết hiện tượng nước đọng trên đường. Cải tạo hai cống trên mương Xuân Đỗ Hạ nhằm giảm úng ngập trên địa bàn phường Cự Khối. Cải tạo thoát nước đường Nguyễn Văn Linh để giảm úng ngập cục bộ trên tuyến đường này, nhất là khu vực chân cầu Thanh Trì. Lắp đặt cửa phai tại cống trên đường dẫn cầu Vĩnh Tuy ra mương NQL5, nhằm chống hiện tượng nước chảy ngược từ mương này vào hệ thống thoát nước của đường dẫn mỗi khi mực nước mương dâng cao gây úng ngập. Cải tạo, sửa chữa bổ sung ga nối cống tại các vị trí trũng cục bộ, không có cống hoặc hệ thống chưa hoàn chỉnh trên địa bàn nhằm tăng cường khả năng thu nước tại các khu vực có khả năng úng ngập nhẹ. Những khu vực khác như hồ Cầu Tình, đường dẫn cầu Đông Trù, đường dẫn cầu Vĩnh Tuy - nút giao đường Nguyễn Văn Linh…, xí nghiệp triển khai phương án sử dụng trạm bơm di động để giải quyết úng ngập. Trên các trục giao thông chính, đường phố có mật độ phương tiện lớn, khu vực dân cư như: gầm cầu Chui, phố Ngọc Lâm, Nguyễn Văn Cừ, Vũ Xuân Thiều, Sài Đồng, các khu vực tổ dân phố số 7, 8, 9 Việt Hưng, Diêm Gỗ, Đức Giang, tổ 8 Cự Khối…, xí nghiệp bố trí lực lượng xung kích ứng trực, sẵn sàng các phương án chống ngập và thực hiện cảnh báo, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, những biện pháp nói trên vẫn chỉ là phương án ứng phó tạm thời; về lâu dài công tác thoát nước trên địa bàn quận cần được đầu tư theo hướng chủ động, chứ không chỉ bằng biện pháp tự chảy theo địa hình như hiện nay và đáp ứng được tốc độ phát triển đô thị trên địa bàn. Quận Long Biên cần đẩy mạnh triển khai xây dựng hai trạm bơm đã được quy hoạch là Trạm bơm Gia Thượng (công suất 10m3/s) và Trạm bơm Cự Khối (công suất 30m3/s) để phối hợp cùng với các trạm hiện có và đập Trại Lợn, chủ động bơm cưỡng bức, tiêu thoát nước hiệu quả; tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống cống, rãnh trên địa bàn. Về phía người dân cũng cần nâng cao ý thức, tham gia tích cực vào việc bảo vệ hệ thống thoát nước, ngăn chặn các hành vi xả rác thải bừa bãi gây tắc cống, che lấp miệng ga thu.
Theo Báo Nhân dân điện tử