Mở hướng giải quyết bài toán nước sạch nông thôn

Thứ sáu, 16/09/2016 14:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Do nguồn cung cấp nước của thành phố còn hạn chế, cho nên người dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Nhiều nơi, người dân phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh. Mới đây, UBND thành phố triển khai lắp thí điểm mô-đun lọc nước tại một xã ở huyện Chương Mỹ, mở ra hướng giải quyết bài toán nước sạch nông thôn.

Công nhân Công ty nước sạch lắp đặt đồng hồ nước cho các hộ dân tại phường Đồng Mai, quận Hà Đông. Ảnh: MINH HÀ

Mặc dù đã có nhiều công trình, dự án cấp nước sạch nông thôn được đầu tư tại các huyện ngoại thành Hà Nội, nhưng hiệu quả thấp. Tính đến hết năm 2015, chỉ có hơn 35% số người dân khu vực nông thôn được dùng nước sinh hoạt theo quy chuẩn; trong đó chỉ có 7,7% số người dân được dùng nước từ công trình cấp nước tập trung do thành phố đầu tư. Phần lớn hộ dân vẫn phải dùng nước giếng khoan, nhưng nước giếng khoan cũng ít vì mực nước ngầm ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm. Thậm chí, có nơi người dân phải bơm nước ao, hồ về nhà để sinh hoạt. Nước ăn thì phải đi mua từng thùng ở nơi khác.

Theo báo cáo của UBND thành phố, khu vực nông thôn có 110 công trình cấp nước tập trung. Trong đó có 80 trạm cấp nước hoạt động ổn định, còn lại 25 công trình không hoạt động và năm công trình đang xây dựng dở dang thì dừng lại. Như vậy có tới 30 công trình bị “đắp chiếu” lãng phí, trong khi người dân không có nước để dùng. Điển hình là hệ thống cấp nước sạch tại xã Phú An Nam (huyện Chương Mỹ) - công trình có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhưng không hoạt động. Người dân ở đây mong đợi nước sạch mòn mỏi, bởi nguồn nước giếng khoan họ đang sử dụng không an toàn, do ở gần sông Đáy bị ô nhiễm nặng. Đại diện UBND xã cho biết: Trạm cấp nước nêu trên đã hoàn thành hàng năm nay, nhưng không cấp nước cho dân, vì thiếu hệ thống đường ống đấu nối nước đến các hộ dân, đồng hồ nước, nhân lực vận hành trạm… Ngoài nơi này, trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn sáu trạm cấp nước khác cũng đang xây dựng dở dang tại các xã: Hoàng Diệu, Tiên Phương, Trần Phú và Nam Phương Tiến. Có công trình như trạm cấp nước thôn Bảo Lộc (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ), sau khi xây dựng hoàn thành, đi vào vận hành được sáu tháng thì dừng hoạt động, do thu không đủ bù chi.

Nguyên nhân của tình trạng này là do ngoài nguồn vốn từ ngân sách của thành phố, vốn hỗ trợ xây dựng trạm cấp nước, thì ngân sách của huyện, xã hay người dân đóng góp thường không cân đối đủ, cho nên các dự án bị đầu tư dở dang. Việc xác định quy mô đầu tư dự án cũng chưa phù hợp. Hơn 80% số trạm cấp nước có quy mô công suất từ 1.000 m3/ngày đêm trở xuống là công trình nhỏ lẻ, cấp cho thôn, xóm, cụm dân cư. Những công trình nhỏ lẻ như vậy không hấp dẫn doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư. Hơn nữa, đối với các trạm đã xây dựng xong, chưa có mô hình, bộ máy quản lý vận hành, khai thác hiệu quả.

Để khẩn trương đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn, thành phố đã có thêm hướng đi mới. Cuối tháng 7 vừa qua, UBND thành phố đã tổ chức đoàn khảo sát và quyết định thực hiện dự án thí điểm cải thiện môi trường nước tại thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Công ty nước sạch Hà Nội đã triển khai lắp đặt tại đây một mô-đun lọc nước, sử dụng công nghệ của Đức với nhiều ưu điểm so với việc sử dụng dàn mưa và bể lọc truyền thống. Thiết bị này không tốn diện tích thi công; lắp đặt nhanh, dễ dàng; khai thác, vận hành đơn giản. Vật liệu lọc từ 5 năm đến bảy năm mới phải thay mới. Chất lượng nước sau lọc đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Mô-đun lọc này đáp ứng được nước sinh hoạt cho khoảng 150 hộ dân.

Chủ tịch HĐQT Công ty Nước sạch Hà Nội Nguyễn Trí Khoa cho biết: Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo đơn vị tiếp tục khảo sát nhu cầu thực tế để khoan thêm giếng và lắp đặt thiết bị lọc phục vụ người dân trên toàn địa bàn huyện, giải quyết nhu cầu nước sạch cho địa phương. Bên cạnh đó, công ty cũng tiến hành khảo sát, nghiên cứu khoan giếng và lắp đặt các mô-đun lọc nước hiện đại này tại huyện Sóc Sơn. Trước mắt, từ nay đến quý I-2017, sẽ triển khai lắp đặt thiết bị, đáp ứng nhu cầu nước cho khoảng hai nghìn hộ dân trên địa bàn ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ - là những xã nằm trong phạm vi vùng ảnh hưởng về môi trường từ khu xử lý rác thải Nam Sơn. Về lâu dài, thành phố sẽ lắp đặt khoảng 20 nghìn bộ lọc nước tương tự cho khoảng 300 nghìn hộ dân ở các huyện ngoại thành, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân. Vốn đầu tư sẽ từ ngân sách và nguồn xã hội hóa.

Có thể nói, đây là giải pháp khả thi, đáp ứng nhu cầu bức thiết về nước sạch của người dân ngoại thành Hà Nội, nhất là ở những khu vực mà nguồn nước ngầm ô nhiễm. Cùng với đó, thành phố cũng khẩn trương đẩy mạnh các biện pháp nhằm khôi phục các trạm cấp nước không hoạt động; tiếp tục triển khai các dự án trạm cấp nước mới trên địa bàn các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ… Thành phố còn chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng phương án giá nước phù hợp cho đặc thù khu vực nông thôn; hoàn thiện đề án quản lý vận hành sau đầu tư. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng, sông Đuống, sông Đà (giai đoạn 2), tạo điều kiện mở rộng nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân vùng ngoại thành của Thủ đô.


Theo báo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)