Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan xem xét những vấn đề liên quan đến đề án thăm dò cát trắng tại khu vực nêu trên để cấp giấy phép thăm dò theo quy định.
UBND tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn, kiểm tra hoạt động khoáng sản của doanh nghiệp theo đúng quy định.
Đồng thời, việc xuất khẩu cát trắng silic phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; cát thải sau khi thu hồi cát trắng chỉ được sử dụng trong nước, không xuất khẩu.
Được biết, trong quá trình thực hiện thi công các dự án nạo vét, thông luồng phát triển kinh tế tại các xã Quan Lạn, Ngọc Vừng, Đông Xá, Minh Châu, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, doanh nghiệp đã phát hiện 50-60% khối lượng cát trắng silic có trong lượng cát thu hồi.
Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho phép Công ty TNHH Quan Minh đầu tư dây chuyền tuyển, rửa nhằm chế biến khối lượng cát trắng silic thu hồi để không lãng phí và tiết kiệm tài nguyên.
Theo báo cáo tại văn bản số 3736/UBND-CN ngày 28/9/2010 của UBND tỉnh Quảng Ninh thì chủng loại cát trắng silic được thu hồi tại các xã Quan Lạn, Ngọc Vừng, Đông Xá, Minh Châu huyện Vân Đồn sau khi tuyển rửa đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp như: kính xây dựng, cát khuôn đúc, bột thạch anh, pha lê,…
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2008.
Quy hoạch này là cơ sở pháp lý cho các ngành chức năng của Nhà nước quản lý cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản nhằm sử dụng một cách có hiệu quả, đúng mục đích và phát triển bền vững ngành công nghiệp vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 và các năm sau.