Năm 2011 cả nước ước tính sẽ có thêm 12 nhà máy xi măng với tổng công suất 10,8 triệu tấn đi vào hoạt động. Như vậy, sản lượng toàn ngành sẽ sản xuất trong năm nay ước đạt khoảng 60 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo về nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2011 sẽ chỉ tăng khoảng 10% so với năm ngoái và đạt mức 55 - 56 triệu tấn. Như vậy sản lượng dư thừa này sẽ khiến các doanh nghiệp phải mở rộng thị trường tiêu thụ và đặt ra mục tiêu xuất khẩu dài hạn.
Trước thực tế này, một số doanh nghiệp xi măng nội đã tiến hành việc xuất khẩu nhưng mới dừng lại ở số lượng nhỏ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu xi măng không hề đơn giản, bởi lẽ những thị trường nhập khẩu xi măng lớn đòi hỏi rất khắt khe không chỉ về chất lượng mà còn nhiều yếu tố khác như dây chuyền công nghệ, việc bảo vệ môi trường nơi sản xuất; nhà máy phải có công suất lớn và đặc biệt là khả năng tập kết hàng với số lượng lớn trong thời gian ngắn..., điều mà không có nhiều doanh nghiệp xi măng Việt Nam đáp ứng được.
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, Xi măng Thăng Long đã tự tìm lối ra bằng cách phát triển thị trường tiêu thụ mới và định ra một kế hoạch xuất khẩu trong những năm tới. Hiện tại, Cty đang thực hiện xuất lô hàng 25 nghìn tấn xi măng đầu tiên trong hợp đồng cung ứng 50 nghìn tấn xi măng cho đối tác nước ngoài, tới thị trường châu Phi. Lô hàng 25 nghìn tấn xi măng còn lại sẽ xuất trong tháng 2/2011.
Ông Lê Độ - Tổng giám đốc Cty CP Xi măng Thăng Long cho biết, sở dĩ Xi măng Thăng Long chọn Châu Phi là thị trường xuất khẩu đầu tiên vì đây có thể coi là thị trường tiềm năng do cơ sở hạ tầng còn thiếu và nhu cầu xây dựng cao. “Chúng tôi định hướng xuất khẩu sẽ là mục tiêu của Xi măng Thăng Long trong thời gian tới nhưng phải dựa trên việc đảm bảo đủ nguồn cung clinker và xi măng cho thị trường nội địa. Xi măng Thăng Long với nhiều lợi thế như: công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại, chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, dồi dào, ổn định tạo ra sản phẩm xi măng Thăng Long có chất lượng tương đương với các tiêu chuẩn chất lượng xi măng quốc tế tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ. Hiện nhà máy đang nhanh chóng đưa dây chuyền 2 đi vào hoạt động trong năm 2013, nâng công suất toàn nhà máy lên tới 4,6 triệu tấn/năm. Với những lợi thế nêu trên, khả năng thực hiện kế hoạch xuất khẩu mang tính lâu dài của chúng tôi là rất khả thi”, ông Độ cho biết như vậy.
Trong năm 2011 này, Xi măng Thăng Long dự kiến sẽ xuất khẩu 300 nghìn tấn xi măng bao và 200 nghìn tấn xi rời sang thị trường các nước Singapore, Brunay, thị trường châu Phi, châu Mỹ và Trung Đông… Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho Xi măng Thăng Long và ngành xi măng của Việt Nam trong đầu năm 2011, nhất là trong giai đoạn thị trường xi măng của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Nhà máy Xi măng Thăng Long tại Hoành Bồ (Quảng Ninh) đang áp dụng dây chuyền sản xuất và công nghệ hiện đại đồng bộ của hãng Polysius (CHLB Đức) với công suất thiết kế 2,3 triệu tấn xi măng/năm; nguồn nguyên liệu chất lượng tốt; hệ thống cảng biển có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 30 nghìn tấn vào nhận hàng. Ba lợi thế cơ bản vừa nêu giúp cho xi măng Thăng Long có giá thành hợp lý, chất lượng cao, không chỉ là lựa chọn của khách hàng trong nước mà còn rất hấp dẫn các khách hàng quốc tế.
Theo : Báo Xây dựng điện tử