Thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 15/01/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam đã được Thủ tướng đồng ý thí điểm thành lập, do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt với sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tương đồng thuộc Bộ Xây dựng.

Thành lập Tập đoàn Xây dựng Công nghiệp Việt Nam để phát triển bền vững, hiệu quả lĩnh vực này

Theo Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam vừa được Thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn này hoạt động theo hình thức công ty mẹ-công ty con, dần hình thành một tổ chức kinh tế mạnh đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước là chi phối.

Tập đoàn kinh doanh đa ngành, trong đó xây dựng và tổng thầu xây dựng các công trình, chế tạo và sản xuất vật liệu  xây dựng là ngành mũi nhọn, làm nòng cốt để ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh, hoạt động hiệu quả.

Về cơ cấu, công ty mẹ-Tập đoàn Sông Đà là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, sẽ trực tiếp tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư tài chính vào công ty con, công ty liên kết. Đồng thời, giữ quyền chi phối các công ty con thông qua vốn, tài sản được Nhà nước giao quản lý.

Trong Quý I/2010, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ có quyết định chuyển giao quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 5 Tổng công ty: Lắp máy Việt Nam, Xây dựng và phát triển hạ tầng, Cơ khí xây dựng, Cổ phần Sông Hồng, Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng cho Hội đồng quản trị Tập đoàn Sông Đà.

Thành lập công ty mẹ- Tập đoàn Sông Đà

Công ty mẹ- Tập đoàn Sông Đà được thành lập trên cơ sở tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành, tham mưu, giúp việc... của Tổng công ty Sông Đà.

Tập đoàn Sông Đà là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Tập đoàn Sông Đà tại thời điểm thành lập là vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Sông Đà và phần vốn nhà nước tại 5 Tổng công ty sẽ được Bộ Xây dựng chuyển giao như vừa kể trên tại thời điểm thành lập, sau khi được xác định lại.

Cho đến thời điểm thành lập (12/1/2020), có 29 công ty con do Tập đoàn Sông Đà nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 16 công ty con do Tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ và 4 Tổng công ty do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Thủ  tướng cũng yêu cầu trong tháng 1/2010, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải trình quyết định bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Sông Đà.

Tổng công ty Sông Đà- bước tạo đà vững chắc cho Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam
 
Có thể nói, lịch sử phát triển của Tổng công ty Sông Đà luôn gắn liền với các công trình thuỷ điện, công nghiệp và giao thông trọng điểm của đất nước mà Tổng công ty đã và đang thi công. Đó là các nhà máy thuỷ điện Thác Bà (110MW), Hoà Bình (1.920MW), Trị An (400MW), Vĩnh Sơn (66MW), Yaly (720 MW), Sê San 3 (273MW), Tuyên Quang (342 MW), Sơn La (2.400 MW)…; Đường dây 500KV Bắc – Nam; Nhà máy giấy Bãi Bằng, Nhà máy dệt Minh Phương, Nhà máy xi măng Bút Sơn; Đường cao tốc Láng – Hoà Lạc, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, Quốc lộ 18, đường Hồ Chí Minh, Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân…
 
Trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Sông Đà đã trở thành một Tổng công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng các công trình thuỷ điện. Từ một đơn vị nhỏ chuyên về xây dựng thuỷ điện, đến nay Tổng công ty Sông Đà đã phát triển với nhiều đơn vị thành viên hoạt động trên khắp mọi miền của đất nước và trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.
 
Trong năm 2009 vừa qua, tổng giá trị sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty ước đạt 20.870 tỷ đồng, vượt 270 tỷ đồng so với kế hoạch năm và tăng 13% so với năm 2008. Cũng trong năm 2009, Tổng công ty Sông Đà đã hoàn thành mục tiêu tiến độ, đảm bảo chất lượng xây lắp các công trình trọng điểm, như Thủy điện Sơn La, Sê San 4..., hoàn thành mục tiêu chống lũ Xêkaman 3, Nậm Chiến, Sê San 4, Bản Vẽ, Hương Sơn..., đồng thời phát điện các tổ máy của Thủy điện Bình Điền, Nậm Ngần và đưa trạm nghiền Hợp Phước thuộc Dự án Nhà máy Xi măng Hạ Long vào sản xuất... 

Tới đây, Tổng công ty sẽ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp gia nhập Tập đoàn từ Bộ Xây dựng, cơ cấu lại vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết hiện có để hình thành các công ty con của Tập đoàn, thực hiện việc đầu tư góp vốn để thành lập mới các công ty con, công ty liên kết hoạt động ở những lĩnh vực cần thiết, hiệu quả hơn, phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn.

Tính đến thời điểm này, có 12 Tập đoàn kinh tế nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoạt động thí điểm, gồm: Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt May (Vinatex), Cao su (VRG), Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt); Viễn thông quân đội (Viettel); Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD HOLDINGS) và Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (SONGDA).

Theo : www.chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)