Về nguyên tắc chung, Nhà nước thu hồi diện tích đất thuộc khu vực lòng hồ; khu vực dự kiến bố trí các công trình xây dựng liên quan đến Dự án Thủy điện Sơn La; diện tích đất của người phải di chuyển; diện tích đất bố trí tái định cư, tái định canh để giao cho Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La phục vụ Dự án Thủy điện Sơn La.
Tổng diện tích đất thu hồi phải phù hợp với tổng diện tích đất giao và phù hợp với quỹ đất của địa phương, trừ trường hợp diện tích đất thuộc khu vực lòng hồ phải thu hồi và khu vực đã được phê duyệt và đã công bố phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà người sử dụng đất chấp thuận, đã di chuyển nơi khác (không thuộc diện tái định canh, tái định cư tại chỗ) được xác định bằng phương pháp đo đạc thủ công trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (11/1/2010).
Bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất
Theo Quyết định, người sử dụng đất khi bị thu hồi đất để thực hiện Dự án được bồi thường thiệt hại bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bằng tiền. Xử lý chênh lệch giá trị đất nơi đi và nơi đến theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Quyết định 02/2007/QĐ-TTg ngày 9/1/2007. UBND các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La quy định cụ thể việc xử lý chênh lệch về diện tích và giá đất nơi đi, nơi đến để thực hiện bù chênh lệch.
Trường hợp người sử dụng đất là các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguyện vọng chuyển đổi sang hộ sản xuất phi nông nghiệp thì toàn bộ diện tích đất bị thu hồi được chi trả bằng tiền theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguyện vọng nhận bồi thường bằng tiền đối với phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm trong khu vực cấp bách cần giải phóng mặt bằng thì được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất đó. Diện tích được tính bồi thường bằng tiền không vượt quá 30% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện có của hộ gia đình, cá nhân. Phần diện tích đã được bồi thường bằng tiền này không được tính vào diện tích đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân đó tại khu tái định cư.
Trường hợp người sử dụng đất là các hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng có đất nông nghiệp bị thu hồi thì phần diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi đó được chi trả bằng tiền theo quy định hiện hành.
Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán làm nhà nương và các công trình xây dựng phụ khác gắn liền với đất nông nghiệp xa nơi ở, khi nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ giá trị tài sản đó. Mức hỗ trợ do UBND tỉnh quy định nhưng tối đa không quá 80% mức hỗ trợ do Chính phủ quy định.
Cấp GCN quyền sử dụng đất không quá 2 năm sau khi nhận đất
Các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thuộc diện tái định cư, tái định canh ngay sau khi nhận đất ở, đất nông nghiệp được hỗ trợ vốn sản xuất theo phương án sản xuất đã được duyệt.
Ngay sau khi giao đất ở, đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân tái định cư, tái định canh, UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập phương án đo đạc bản đồ địa chính, cấp GCN, lập hồ sơ địa chính. Thời gian cấp xong GCN không quá 2 năm, kể từ ngày hộ dân tái định cư nhận đất ở, đất nông nghiệp ở địa điểm mới.
Di dân tái định cư- việc khởi đầu và là một khâu quyết định của Dự án Thủy điện Sơn La
Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La (năm 2001), mặc dù Chính phủ phải triển khai khối lượng công việc rất lớn cho dự án này, nhưng tính đến nay, công tác di dân, tái định cư cơ bản đã bảo đảm yêu cầu kịp thời cho các mốc chính. Bà con nhân dân các địa phương nơi phải di dân, tái định cư đều tích cực ủng hộ chủ trương đúng đắn về xây dựng thủy điện Sơn La, chấp nhận khó khăn của việc di dời đến nơi ở mới, vì dòng điện tương lai của đất nước…
Tuy nhiên, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể cũng như các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế đặc thù trong thu hồi đất, giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp còn chậm.
Tính đến tháng 4/2009, trong gần 1.900 dự án thành phần và xây dựng khu, điểm tái định cư, chỉ có 772 dự án đã khởi công, trong đó có 385 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Việc giao đất sản xuất mới đạt gần 40% so với số hộ đã di chuyển đến nơi tái định cư. Việc cân đối bố trí vốn bảo đảm theo kế hoạch đạt yêu cầu, nhưng công tác giải ngân còn chậm, mới đạt 57,8% kế hoạch…
Theo Nghị quyết của Quốc hội, một trong những yêu cầu đặt ra đối với công tác di dân, tái định cư là “bảo đảm cho nhân dân phải di dời sớm ổn định và có điều kiện sống tốt hơn nơi cũ”. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát cho thấy công tác di dân, tái định cư cũng chưa hoàn toàn đạt như yêu cầu đặt ra. Một trong những vấn đề nổi bật trong việc tái định cư là yêu cầu đảm bảo đất sản xuất, đất trồng lúa, nơi ở mới phải phù hợp với phong tục, tập quán sản xuất của bà con,...
Do vậy, cùng với việc giải quyết những tồn tại, hạn chế của công tác di dân, tái định cư thì cũng cần tính toán đến bài toán “hậu tái định cư”. Đây không phải là câu chuyện của 1, 2 năm mà có thể là của nhiều năm nữa về sau. Vì vậy, cần chủ động xây dựng chính sách hậu tái định cư với việc ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh cho các xã có điểm tái định cư; đầu tư phát triển sản xuất toàn diện cho đồng bào. Có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ tái định cư và hộ sở tại bị ảnh hưởng trong thời gian không dưới 5 năm tính từ khi hoàn thành di dân đến nơi tái định cư; hỗ trợ các tỉnh đầu tư một số mô hình làng, bản mang bản sắc văn hóa dân tộc...
Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện di dân, tái định cư. Từ đó, đưa ra những giải pháp tháo gỡ cụ thể, quyết tâm hoàn thành công tác di dân, tái định cư trước tháng 7/2010, kịp phục vụ việc phát điện tổ máy số 1 của Nhà máy thủy điện Sơn La vào cuối năm 2010- sớm hơn 2 năm theo kế hoạch đã đề ra.
Để xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biện và Lai Châu phải di chuyển hơn 18.000 hộ dân thuộc khu vực bị ảnh hưởng mặt bằng xây dựng nhà máy và vùng ngập lòng hồ tích nước. Trong đó, riêng tỉnh Sơn La phải di chuyển 12.479 hộ dân tái định cư đến nơi ở mới; ổn định đời sống và tổ chức sản xuất cho trên 7.000 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Tính đến ngày 15/12/2009, toàn tỉnh đã tổ chức di chuyển và tái định cư được 11.234 hộ dân, đạt 90% đến tái định cư tại 8 huyện, TP thuộc tỉnh Sơn La. Các hộ dân tái định cư đã được giao đất ở, cơ bản đã dựng xong nhà ở, bảo đảm từng bước ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Có 8.821 hộ/ 9.309 hộ đã tái định cư tập trung nông thôn và xen ghép có đất để sản xuất (trong đó, đã giao 7.280 ha đến 4.766 hộ; 4.055 hộ tạm thời sử dụng quỹ đất cũ chưa bị ngập để sản xuất); các dự án thành phần tại khu, điểm tái định cư và các dự án phục vụ tái định cư đã được các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện, ưu tiên các công trình thiết yếu nước sinh hoạt, điện; các dự án san nền nhà, đường giao thông chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón dân theo đúng kế hoạch của tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi, sớm ổn định cuộc sống của người dân tại nơi ở mới. Tỉnh Sơn La phấn đấu sẽ tổ chức di chuyển xong toàn bộ 1.245 hộ còn lại gồm: Huyện Quỳnh Nhai 1.037 hộ; huyện Mường La 208 hộ trước ngày 2/2/2010 (sớm hơn lộ trình đề ra trước đó 5 tháng). Tổng vốn đầu tư dự án Thủy điện Sơn La là 10.294.915 triệu đồng. |
Theo : www.chinhphu.vn