Giữa vùng đất trung du Thanh Ba bạt ngàn đất đỏ, đồi chè, Nhà máy Xi măng Sông Thao được hiện hữu đã làm sáng lên bức tranh về một vùng phát triển mới. Nhìn toàn cảnh của Nhà máy, có lẽ ít ai biết rằng để được mặt bằng lý tưởng như thế này, họ đã phải san phẳng hai quả đồi với hàng triệu mét khối đất đá. Chỉ vậy thôi, cũng đủ để hình dung công việc xây dựng Nhà máy vất vả, khó khăn như thế nào, đó là chưa nói tới quá trình xây dựng, lắp đặt một nhà máy xi măng hiện đại và đồng bộ vào bậc nhất cả nước hiện nay so với nhóm các nhà máy có cùng công suất. Tổng giám đốc Cty CP Xi măng Sông Thao - Phạm Văn Ân cho biết, cách Nhà máy không xa, khu nhà ở dành cho cán bộ, công nhân cũng đang được đẩy nhanh hoàn thành. Khu nhà ở này được quy hoạch, xây dựng như một KĐTM, có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội để đáp ứng nơi ở ổn định cho hơn 400 công nhân làm việc trong Nhà máy. Trong quy hoạch xây dựng, yếu tố về cảnh quan môi trường đặc biệt được chú trọng nên ngay từ khi Nhà máy hoàn thành, cùng với hệ thống hạ tầng đồng bộ thì màu xanh đã bắt đầu phủ lấp những con đường, những khoảng trống trong Nhà máy…
Nhà máy Xi măng Sông Thao được xây dựng với công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm. Đây cũng là dự án nhà máy xi măng đầu tiên tại Việt Nam thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC, liên kết giữa TCty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) và TCty Lắp máy Việt Nam (Lilama), trong đó HUD là cổ đông chi phối trên 60%. Vị trí xây dựng Nhà máy được coi là đắc địa đối với một nhà máy xi măng, chỉ cách chưa đầy 2km là mỏ đá vôi và đất sét, có thể cung cấp đủ nguồn nguyên liệu trong vòng 50 năm. Vị trí này cũng phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển vật liệu xi măng với 3 khu vực Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang. Đây cũng được coi là một trong những dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cũng chính vì điều này nên ngay từ khi xây dựng Nhà máy, công tác GPMB triển khai rất thuận lợi do có sự chỉ đạo, hỗ trợ của địa phương. TCty HUD cũng phối hợp với tỉnh Phú Thọ và huyện thực hiện quy hoạch một KĐTM đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội, đồng thời cũng là khu tái định cư để ổn định đời sống cho bà con.
Về việc triển khai theo mô hình tổng thầu EPC, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc phụ trách thi công xây dựng Cty cho biết: Do đây là công trình thí điểm của Bộ Xây dựng đối với hình thức tổng thầu EPC nên vừa triển khai vừa phải từng bước tìm phương án giải quyết những công việc, vấn đề phát sinh để dần hoàn thiện. Chủ đầu tư và tổng thầu Lilama luôn có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong giải quyết công việc, ngoài tạo điều kiện về vốn giải ngân, chủ đầu tư cũng cho phép thực hiện các biện pháp thi công đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ. Chính vì vậy nhà thầu giải quyết tốt được công tác thiết kế, gia công, lắp đặt các thiết bị đúng tiến độ… Theo thiết kế công nghệ của Tập đoàn Xi măng Thiên Tân (Trung Quốc), Nhà máy nhập các thiết bị từ Nhật, Đức, Italia. Tuy nhiên đây cũng là dự án thí điểm của Nhà nước thực hiện nội địa cơ khí hóa. Tổng khối lượng thiết bị chế tạo trong nước lên đến 6.700 tấn, chiếm 60% tổng khối lượng thiết bị dự án. Theo ông Vũ Văn Cương - Giám đốc tổ hợp nhà thầu Lilama, do lần đầu tiên Lilama làm tổng thầu EPC, trong khi nhiều thiết bị lần đầu chế tạo trong nước nên công việc rất phức tạp, đặc biệt là khâu kết nối các thiết bị và dây chuyền công nghệ. Tuy nhiên qua quá trình thi công đã khẳng định kỹ năng quản lý và điều hành dự án một cách chuyên nghiệp, tiết kiệm được nguyên vật liệu, nhân công và thời gian, thể hiện năng lực thực hiện dự án EPC.
Cho tới ngày hôm nay, khi nhà máy đã được hoàn thành, những mẻ clinker đầu tiên đã ra lò, cán bộ, kỹ sư, những người công nhân tham gia xây dựng nhà máy mới có thể cho mình những giây phút nhẹ nhõm và nhìn lại chặng đường đã đi qua. Phó Tổng giám đốc TCty HUD Ngô Ngọc Sơn - một trong những lãnh đạo trực tiếp điều hành dự án kể lại: Do những khó khăn khách quan, dự án xây dựng Nhà máy đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên thực hiện chiến lược tập trung cho các dự án trọng điểm của TCty, nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, từ giữa năm 2007, chủ đầu tư, tổng thầu EPC đã huy động tổng lực cho công trình, có thời điểm tới trên 1.000 cán bộ công nhân cùng các chuyên gia của Đức, Trung Quốc. Các hạng mục triển khai có tính chất kỹ thuật rất khó lại đan xen trong phạm vi mặt bằng chật hẹp. Xi lô xi măng có độ cao tới gần 60m, các hố móng sâu đến 13m… địa chất phức tạp đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến công tác thi công. Tuy nhiên tất cả các hạng mục, phần việc đều tuân thủ, bảo đảm yêu cầu về chất lượng cũng như yêu cầu thiết kế. Trong suốt quá trình thi công không để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào. Đối với một công trình quy mô, tính chất phức tạp như xây dựng nhà máy xi măng thì đây thực sự là một thành tích ấn tượng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trong chuyến thăm Nhà máy mới đây cũng đã đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân tham gia xây dựng, lắp đặt nhà máy, nhất là với thành công áp dụng mô hình EPC - Lần đầu tiên chúng ta làm chủ hoàn toàn trong lựa chọn công nghệ, thiết bị, trong thiết kế xây dựng, gia công chế tạo lắp, đặt vận hành và chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh một nhà máy xi măng. Đặc biệt, đối với những người thợ HUD, ngoài xây dựng nhà ở cao tầng, họ cũng đã đánh dấu thành công mới khi xây dựng nhà máy xi măng.
Cho tới thời điểm này, tất cả đã sẵn sàng cho sự hiện diện của xi măng Sông Thao trên thị trường. Nhà máy đã chính thức đi vào vận hành và cho ra sản phẩm. Để vận hành nhà máy cũng như đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, Cty CP Xi măng Sông Thao đã tuyển dụng và đào tạo 540 cán bộ, công nhân, trong đó gần 200 lao động là người địa phương. 40 cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật được sang học tại Singapore và Trung Quốc về quản lý sản xuất, vận hành thiết bị. Chiến lược kinh doanh cũng xác định rõ thị trường, cơ cấu, giá thành cũng như thiết lập hệ thống phân phối và đại lý trên thị trường… Với nguồn nguyên liệu tốt, Nhà máy sẽ sản xuất sản phẩm chủ đạo là xi măng PC/PCB40 và sản phẩm xi măng mác cao PC50. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng, những sản phẩm này chính là dấu ấn thành công trong lĩnh vực mới của HUD - đầu tư kinh doanh công nghiệp sản xuất VLXD. Với những uy tín trong lĩnh vực xây dựng nhà ở KĐTM, chắc chắn HUD sẽ tiếp tục gặt hái những thành công, khẳng định thương hiệu mạnh trên thị trường.
Theo : Báo Xây dựng điện tử