Tiếp tục xuất khẩu cát không thuộc loại cát xây dựng

Thứ tư, 18/11/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan giải quyết ngay các thủ tục xuất khẩu cát không phải là cát xây dựng (cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc) theo Hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.

Từ tháng 6/2010, sẽ dừng toàn bộ việc xuất khẩu cát nhiễm mặn

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu dừng toàn bộ việc xuất khẩu cát nhiễm mặn từ tháng 6/2010.

Đối với các dự án nạo vét khơi thông luồng lạch sông, cửa sông, cảng sông giáp biển tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật trước ngày 16/11/2009 được tiếp tục thực hiện đến ngày 30/6/2010. Nghĩa là sau ngày 30/6/2010, cát nhiễm mặn là mặt hàng cấm xuất khẩu dưới bất kỳ hình thức nào. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ  việc xử lý cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét khơi thông luồng lạch.

Chỉ đạo trên của Chính phủ đã giúp kịp thời giải quyết việc thông quan cho mặt hàng cát mặn xuất khẩu, trước thực tế có nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc trong vấn đề này tại hải quan hiện nay.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp

Trở lại với thời điểm cách đây hơn 1 tháng, vào ngày 29/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1819/VPCP-KTN về tình hình khai thác, xuất khẩu cát sỏi, theo đó, "dừng toàn bộ việc xuất khẩu cát, sỏi xây dựng, cát vật liệu san lấp, kể cả việc xuất khẩu đối với các hợp đồng đã ký trước ngày 30 tháng 11 năm 2008 theo quy định tại điểm 5 của Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ".

Tuy nhiên, sau đó, Bộ Tài chính có công văn tổng hợp về tình hình xuất khẩu cát (gồm cả cát mặn) để báo cáo trực tiếp Thủ tướng, trong đó đề nghị trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng thì tạm dừng việc xuất khẩu cát. Thời điểm này, Thủ tướng chưa có ý kiến chỉ đạo cụ thể nên hải quan đã tạm dừng thông quan xuất khẩu mặt hàng cát nhiễm mặn.

Chính vì vậy, khi các doanh nghiệp làm thủ tục thông quan để xuất khẩu những loại cát không thuộc cát xây dựng thì đã nhận được công văn của Tổng cục Hải quan chỉ đạo các Cục Hải quan tạm dừng việc xuất khẩu cát các loại. Trong khi cũng vào thời gian đó, hàng chục doanh nghiệp đang nạo vét cát tại các cửa biển để khơi thông luồng lạch cho các tỉnh với phương thức lấy cát xuất khẩu để bù chi phí. Theo đó, các doanh nghiệp này đã có hợp đồng xuất khẩu cát nhiễm mặn. Bởi vậy, nếu dừng việc xuất khẩu cát theo hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài thì thiệt hại cho doanh nghiệp là không nhỏ.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh có cửa biển cũng kiến nghị Thủ tướng cho các doanh nghiệp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu bởi các tỉnh không có nhu cầu sử dụng loại cát này; mặt khác, việc nạo vét khơi thông luồng lạch là rất quan trọng cho việc lưu thông tàu bè, bảo vệ nuôi trồng thuỷ sản và nông nghiệp…

Trao đổi với Bộ Tài chính, ngành Hải quan về chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trước tình hình thực tế xuất khẩu cát hiện nay, các cơ quan chức năng đều nhận định, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng đã quy định rất chặt chẽ cả loại cát xuất khẩu, thời gian tiến hành xuất khẩu, giúp tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho các đơn vị chức năng, trong đó có hải quan làm tốt nhiệm vụ của mình.
... và phù hợp với thực tiễn, có tầm nhìn xa

Theo Bộ Xây dựng, mức tiêu thụ cát đang ngày càng tăng, năm 2006, nước ta tiêu thụ 73 triệu m3 cát, năm 2007 tiêu thụ 78,3 triệu m3, năm 2008 tiêu thụ 85,5 triệu m3. Dự báo nhu cầu đến năm 2010 là từ 93 đến 100 triệu m3, năm 2015 từ 131 đến 140 triệu m3 và năm 2020 có nhu cầu từ 182 đến 197 triệu m3 cát.

Hơn nữa, việc phân bố lượng cát không đồng đều và cát cũng không phải là khoáng sản vô tận, nên rất cần phải có quy hoạch cân đối cung - cầu và nhu cầu sử dụng cát, sỏi xây dựng của địa phương và trên cả nước, tránh rơi vào tình trạng đến một giai đoạn nào đó, Việt Nam phải nhập khẩu cát từ nước ngoài.

Theo bài viết của Kỹ sư Phùng Sanh (Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.Hồ Chí Minh) thì trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đất nước ta cần hàng trăm triệu tấn cát, đất, đá để xây dựng, tôn cao nền. Rồi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, mực nước có thể dâng cao khoảng 1 mét vào cuối thế kỷ này. Bởi vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần có kế hoạch tôn cao nền cho “hàng trăm ngàn cụm dân cư” ở các tỉnh ven biển… cũng như xây dựng hệ thống đê biển, đê sông. Như vậy, có thể thấy rằng việc ngừng xuất khẩu cát là hoàn toàn hợp lý.

Theo : www.chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)