Nhiều đại biểu đều nhất trí Nhà nước cần có có những chính sách để giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho các đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, nhưng còn nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh dự thảo Luật.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng nên hỗ trợ trực tiếp vào các đối tượng như sinh viên, công nhân, người nghèo thay vì giảm thuế. Nếu giảm thuế mà áp dụng giống nhau thì rất khó kiểm soát, khó phân định, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, không chỉ đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân.
Dự thảo Luật tiềm ẩn nguy cơ khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực và các đối tượng sinh viên, công nhân, người nghèo không được thụ hưởng những sự ưu đãi của Nhà nước.
Đồng tình với đại biểu Loan, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cho rằng, vấn đề nhà ở cho sinh viên, người có thu nhập thấp hiện nay thực sự bức xúc. Nhưng thay vì sử dụng biện pháp ưu đãi thuế, Nhà nước nên giao trách nhiệm vào các trường, các khu công nghiệp với sự hỗ trợ từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất.
Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) kiến nghị Chính phủ xây dựng những căn cứ xác thực cho việc cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mới có hiệu lực chưa đầy một năm qua.
Theo đại biểu Hồng Anh, Chính phủ cần tổng kết đánh giá quá trình thực hiện cũng như tác động của Luật đối với đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, việc quy định các đối tượng được thụ hưởng từ chính sách ưu đãi chỉ là sinh viên, học sinh, công nhân khu công nghiệp dễ dẫn đến sự không công bằng, khi trong xã hội còn có người nghèo, người tàn tật, người có công với Cách mạng... cũng là những đối tượng hiện đang có nhu cầu bức xúc về nhà ở.
Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) và Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cùng có chung băn khoăn cho rằng cần phải có những giải pháp cụ thể cho công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện khi Luật được ban hành để đảm bảo hiệu quả.
Trong cơ chế thị trường hiện nay, thay vì giảm thuế cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở, Nhà nước nên sử dụng biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên, công nhân, giúp các đối tượng này có thể đảm bảo nhu cầu nhà ở của mình.
Ngược với các quan điểm chưa nên sửa Luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) lại cho rằng việc làm này là cần thiết.
Đại biểu chia sẻ, thực tế cuộc sống cho thấy nhà ở cho sinh viên, công nhân đang là vấn đề rất bức xúc. Việc làm này là với mục tiêu nhân đạo, đảm bảo an sinh xã hội và cũng là cơ hội lớn để kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp cùng Nhà nước tham gia hoạt động giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Ủng hộ ý kiến của ông Đào, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, sửa luật là việc nên làm, nhưng để không lãng phí vốn của nhà nước, cần nắm tổng cung, tổng cầu ở từng địa phương.
Bên cạnh đối tượng doanh nghiệp, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm đối tượng cá nhân tham gia xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân. Việc khống chế trần mức lãi suất và giá trị xây dựng nhà cũng cần được nghiên cứu lại vì sẽ không đảm bảo tính khuyến khích doanh nghiệp cũng như chất lượng nhà, hoạt động duy tu, bảo dưỡng nhà.
Cũng có chung ý kiến với đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường và đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), các đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (Thành phố Hồ Chí Minh) nhất trí với Dự thảo Luật nhưng cho rằng, quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư mở rộng là dự án riêng có số vốn đầu tư 20 tỷ đồng sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay ký túc xá các trường đại học, cao đẳng chỉ đáp ứng 20% nhu cầu sinh viên, khoảng 80% công nhân khu công nghiệp đang phải thuê nhà ở tạm và 1/3 số cán bộ, công chức vẫn chưa có chỗ ở ổn định./.
Theo TTXVN/Vietnam+