Sôi động trên công trường thuỷ điện Sơn La

Thứ năm, 13/08/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tháng Tám ở công trường thuỷ điện Sơn La mặc dù còn mùa lũ, sông Đà đỏ quạch phù sa, nhiệt độ ngoài trời có lúc vượt ngưỡng 40 độ C, nhưng hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động trên công trường thuỷ điện vẫn đua với thời gian, làm việc liên tục 3 ca, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, lập thành tích chào mừng 64 năm Ngày cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 2/9.

Thi đua nước rút

Đứng trên chiếc cầu tạm Mường La 2 nhìn lên phía thượng nguồn, dòng sông Đà hung dữ bị chắn bởi đoạn đê quai thượng lưu và khối bê tông thân đập chính sừng sững, buộc dòng lũ chảy qua đập tràn cao trình 126 mét đang tung bọt trắng xoá. Hàng chục chiếc cần cẩu khổng lồ vươn mình, soi bóng xuống dòng sông lấp loá, bờ trái đập đã thi công đổ bê tông đến ngưỡng đỉnh, ngang lưng chừng núi Pú Hao. Chúng tôi hiểu vào thời điểm này, toàn công trường đang bước vào giai đoạn thi công nước rút các hạng mục công trình đảm bảo chính xác, kỹ thuật cao và chất lượng công trình được đặt lên hàng đầu.

Tổng công ty Sông Đà, nhà thầu chính đảm nhận việc thi công toàn bộ khu vực nhà máy và thân đập chính, với khối lượng đổ bê tông đầm lăn (RCC) gần 2.700.000 m3 và khoảng 1.550.000 m3 bê tông thường (CVC). Trong đó Công ty cổ phần Sông Đà 5 thi công 3 tổ máy số 1,2,3 và một nửa khối lượng phần bê tông hạng mục cửa nhận nước, cùng toàn bộ việc sản xuất, chuyển băng tải vật liệu tới nơi thi công bê tông RCC đổ vào thân đập chính. Công ty CP Sông Đà 7 thi công các tổ máy 4,5,6, một nửa khối lượng cửa nhận nước và sản xuất vật liệu nghiền sàng; Công ty CP Sông Đà 6 thi công bê tông CVC, Công ty CP Sông Đà 10 khoan nổ, đào hố móng, khoan phun chống thấm và gia cố; Công ty TNHH một thành viên 908 thi công hố móng, kênh dẫn dòng, bê tông nhà máy, tham gia thi công đập chính và đảm nhiệm các đê quai, thi công đổ bê tông RCC, Sông Đà 11 chuyên lo điện, nước. Bên cạnh đó còn có các nhà thầu thành viên, gồm : Tổng công ty Trường Sơn thi công hố xói, xả tràn, kênh ra hố xói; Tổng công ty Licogi đảm nhận thi công bê tông phần vai phải đập không tràn của nhà máy; Tổng Công ty lắp máy Lilama đảm trách lắp đặt thiết bị nhà máy, đường ống áp lực dẫn nước với khối lượng lên tới 73.000 tấn.

Tại khu vực đoạn tuyến năng lượng, các đơn vị của Sông Đà đang đổ bê tông đến cao độ 126 mét, xây bịt kín hành lang thân đập cao trình 138 m giúp cho việc xả lũ, chống lũ năm 2009 an toàn; theo đó đổ bê tông gian lắp đặt nhà máy, gồm khoang tổ máy, gian lắp ráp và vùng cửa ra nhà máy. Riêng trong tháng 7, khối lượng thi công toàn công trường đổ bê tông CVC đạt gần 58.000 m3, đổ bê tông RCC 60.000m3 (hoàn thành khối L3). Công ty Lilama 10 đang đẩy nhanh lắp đặt các thiết bị của nhà máy, trong quý 3 này phấn đấu hoàn thành lắp đặt gần 1.100 tấn thiết bị cơ khí thuỷ lực (cả 2 quý 3 và 4 là 2.019,8 tấn thiết bị) gồm các hạng mục lắp đặt khuỷu hút các tổ máy từ số 3 đến số 6, lắp đặt côn hút phần còn lại của 6 tổ máy, lắp đặt tổ hợp stato tua bin và buồng xoắn tổ máy số 2, 3,4,5,6. Đập không tràn bờ trái do quân của Sông Đà 10 đảm nhận gia cố mái thượng lưu đập, gia cố mái hạ lưu, khoan phun gia cố xử lý nền đập, khoan phun gia cố từ cao độ 180m đến cao độ 228m và khoan thoát nước nền. Bên bờ phải đập là những đơn vị của Licogi và Sông Đà 7, đảm trách phần thi công đổ bê tông từ cao độ 145m đến cao độ 173,6m công trình xả lũ, đập tràn. Những cánh van phẳng của 12 cửa xả đáy nặng hàng trăm tấn cũng đang được chạy thử khô, 3 cửa phẳng đã chạy an toàn và trơn tru.

Nhìn bao quát từ trên đài quan sát, hình hài nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á đang dần hiện lên rõ nét, từng hạng mục chính cũng đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Đến nay, tại tuyến năng lượng cả 6 đường ống áp lực đều đang được triển khai lắp đặt. Riêng đường ống áp lực số 1, 2, 3 có 6 phân đoạn nay còn phân đoạn 3 (khoảng 6 đốt ống) sẽ hoàn thành trong tháng này. Đường ống áp lực được làm bằng thép, đường kính 10,5m hàn khớp nối có tác dụng dẫn nước tạo áp lực làm quay tua bin phát điện. Để tổ máy số 1 phát điện đúng kế hoạch, Anh Lê Văn Trung, trưởng phòng thi công Ban Điều hành dự án cho biết: Từ nay đến cuối năm, phải tiến hành đổ bê tông chân buồng xoắn và giếng tua bin tổ máy số 1 đến cao độ 112,25 m, đầu năm 2010 sẽ tổ hợp Stato máy phát và tổ hợp Rôto tại sàn cao độ 118m; hoàn thiện phần hàn nối của buồng xoắn tổ máy số 2.

Xuyên hầm trong lõi đập

Ông Phạm Đình Chiến, Phó Giám đốc công ty CP Sông Đà 10, kiêm Giám đốc xí nghiệp 10.3, đơn vị chủ công trong công việc khoan phun, gia cố chống thấm đường hầm thuỷ điện, cho biết: Kế hoạch năm 2009 đơn vị phấn đấu khoan phun và gia cố chống thấm 44.810 mét dài (md), trong đó từ tháng 6 đến nay đã hoàn thành khoan phun khoảng 4.000 md (luỹ kế năm đạt khoảng 15.500 md). Hiện nay đơn vị đang tập trung xử lý chống thấm, phun gia cố của 3 hành lang đường hầm tại cao độ 105m, cao độ 180m và cao độ 138m của đập chính.

Được biết, vỏ hầm là những khối bê tông đúc sẵn được ghép lại, không phải như hầm khoan xuyên lòng núi ở các công trình thuỷ điện Nậm Chiến I, Nậm Chiến II mà hiện Sông Đà 10 đang đảm nhận thi công. Đập bê tông công trình chính thuỷ điện Sơn La được thiết kế với 3 đường hầm chính ở cao độ khác nhau, lắp gép bằng những tấm bê tông khổ lớn tạo thành cống ngầm chạy dọc trong lõi của khối bê tông đầm lăn, với chiều dài mỗi đường hầm trên 1 cây số, hai đầu đường hầm cấy sâu vào lòng núi. Ba tuyến hầm này chạy dọc theo tim đập, có cầu thang lên xuống và thông với nhau. Đây là 3 con đường hầm nhằm kiểm tra thường xuyên các thông số về “sức khoẻ” của thân đập trước mắt cũng như lâu dài. Các kỹ sư, công nhân khoan phun, gia cố có nhiệm vụ như những “bác sĩ”, điều trị các căn bệnh phát sinh trong “cơ thể” của thân đập thuỷ điện. Theo chỉ dẫn của anh em kỹ sư, chúng tôi thực hiện chuyến xuyên hầm, bắt đầu từ cao độ 180m. Theo cầu thang hình xoắn trôn ốc với 112 bậc để đến hầm hành lang cầu thang cao độ 138m. Tại phía cửa thông ra hầm hạ lưu, tốp thợ gồm kỹ sư trẻ Phạm Văn Bằng, thợ khoan Nguyễn Văn Đạo, Hoàng Văn Thế đang thực hiện khoan sâu kiểm tra, xử lý kỹ thuật thân đập và khoan phun tăng cường độ liên kết. Anh Bằng cho biết, họ đang khoan sâu và khoan chéo từ cao độ 138m xuống cao độ 105m để kiểm tra và xử lý những sự cố kỹ thuật. Công việc của những người thợ khoan này luôn thầm lặng, đường hầm chỉ sáng lờ mờ, ít người qua lại, không sôi động như trên mặt đập, nhưng cũng khá ồn ào mỗi khi máy khoan hoạt động, thậm chí còn bị chói tai, nhức óc, mắt loà đi bởi phải khoan, chống thấm trong một không gian chật hẹp dưới lòng sông trong lõi đập. Tại hành lang hầm cao độ 105m, ở ngay giữa đáy lòng sông chính, gặp đội khoan của anh Hoàng Tuấn Anh, được biết: Họ đang tiến hành khoan đáy sông đến tầng đá mẹ (đá gốc), sau khi khoan xong sẽ phun xi măng chống thấm qua lỗ khoan xuống để gắn bịt các vết nứt địa chất trong bán kính khoảng 5m, đảm bảo chống thấm rò rỉ nước từ đáy thấm lên thân đập. Các đơn vị của Sông Đà 10 ngoài việc khoan phun còn gia cố, lấp đầy, phun tấm ốp, khoan thoát nước, xử lý đoạn đứt gãy. Trong khoan nổ có khoan gia cố móng, khoan néo, phun vẩy gia cố... Một thợ khoan nổ cho biết thêm: Các đơn vị khác đổ bê tông thân đập chính càng lên cao bao nhiêu thì đơn vị chúng tôi lại càng “lún sâu” xuống lòng đất bấy nhiêu, đơn vị đang thi công con đập ngược nên có phần phức tạp hơn nhiều so với các đơn vị bạn thi công trên mặt đập. Hiện tại tổ khoan đang ở đường hầm cao độ 105m, nghĩa là đã ở dưới đáy sông rồi.

Mặc dù thời tiết Tây Bắc mùa này không thuận lợi, nhưng đội ngũ cán bộ, công nhân lao động của các nhà thầu đã làm việc liên tục 3 ca, toàn bộ công trường đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch của tháng 7.

Cả công trường đang sôi động với khí thế thi đua lập thành tích chào mừng 64 năm Ngày cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 2/9, đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình đảm bảo năng suất, chất lượng cao nhất, an toàn lao động, thi đua về đích cho ngày phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2010.

Theo : Songda.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)