Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Thứ năm, 04/01/2024 17:31
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV theo công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023 của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nội dung các kiến nghị:

1. Kiến nghị tại mục 22:

Về công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị: Về trình tự lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị:

Tại Điều 28 Luật Quy hoạch năm 2017 quy định: “Nội dung quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng”.

Tại Điều 26 và Điều 29 Luật Quy hoạch đô thị quy định: “Đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị” và “đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết”.

Tại Điều 23 Luật Xây dựng 2014, quy định: “Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch nông thôn và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật liên huyện, huyện”. Như vậy, theo phân cấp các loại quy hoạch trong xây dựng, quy hoạch đô thị, thì điều kiện để phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cần phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch chung và đầy đủ các quy hoạch cấp trên được phê duyệt (thứ tự theo quy định nêu trên). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay các đồ án cấp trên (đồ án quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị và vùng phụ cận) chưa được phê duyệt (đang trong quá trình lập, thẩm định), nên một số các đồ án quy hoạch cấp dưới gặp khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt. Do đó, kiến nghị tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh, bổ sung các quy định về quy hoạch của Luật quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện theo hướng quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên liền kề (như: quy hoạch chi tiết thì phải phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung). Đề nghị quy định nội dung phạm vi mà các quy hoạch bắt buộc phải phù hợp, đồng bộ, cụ thể như: Quy hoạch xây dựng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất về nội dung, phạm vi, chỉ tiêu nào là bắt buộc.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng đã có công văn 73/BXD-QHKT xin trả lời như sau:

a) Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 c) Lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác có quy định về quy hoạch; tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước....”.

Hiện nay, các Quy hoạch tỉnh đã và đang được lập trình, thẩm định. Do đó, UBND tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch khu chức năng  đồng thời đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh đang trình phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch chung phê duyệt thì tổ chức quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phù hợp với quy hoạch cấp trên theo pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng hiện hành.

b) Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 đặt ra một trong những yêu cầu trọng tâm là phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và một số Luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Do vậy, việc rà soát Luật Đất đai năm 2013 và các Luật hiện hành là hết sức cần thiết để phân định về phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai và các Luật có liên quan; xác định những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập để đề xuất hướng xử lý, hoàn thiện Luật Đất đai và các Luật liên quan.

Bộ Xây dựng đã tham gia, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo yêu cầu của Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, Công điện số 164/CĐ-TTg ngày 18/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã có các nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa QHSDĐ và QHĐT như sau:

(1) Về phân loại đất

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về phân loại đất thành 03 nhóm căn cứ vào mục đích sử dụng nhưng không xác định được chính xác đất thuộc đô thị hay nông thôn do “đất đô thị”, “đất nông thôn” và “đất xây dựng đô thị”, “đất xây dựng nông thôn” không được quy định là một loại đất cụ thể, không thuộc hệ thống số liệu thống kê, kiểm kê đất đai. Do cách thống kê phân loại khác nhau, số liệu đất đô thị và đất xây dựng đô thị (bao gồm đất dân dụng và đất ngoài dân dụng) như vậy nên rất khó thống kê hàng năm làm cơ sở để đánh giá nhu cầu và tốc độ phát triển của các đô thị. Tại các địa phương, diện tích đất xây dựng đô thị không được thống kê và phần đất dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự phòng phát triển… không được tính toán chính xác dẫn đến việc dự báo nhu cầu sử dụng đất không sát với nhu cầu và thực tiễn, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Bộ Xây dựng đã đề nghị chỉnh sửa nội dung này theo hướng bổ sung loại đất xây dựng đô thị, đất xây dựng nông thôn trong nhóm đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở đô thị và các loại đất khác phục vụ mục tiêu phát triển đô thị, nông thôn thì được phân loại theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng hoặc liệt kê các loại đất phải bảo đảm phù hợp với chức năng sử dụng đất gắn với hoạt động đầu tư xây dựng.

(2) Về mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

(i) Việc xác định nhu cầu sử dụng đất đối với hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện thông qua quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, khu chức năng. Do vậy, để bảo đảm tính thứ bậc của quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành thì đề nghị bổ sung quy định “quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành là căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất tương ứng với từng loại quy hoạch sử dụng đất”.

Một số quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trùng lặp với Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng; một số quy định không yêu cầu lập quy hoạch sử dụng đất mà chỉ lập quy hoạch đô thị là chưa bao quát các trường hợp phải lập quy hoạch đô thị theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Bộ Xây dựng đã đề nghị chỉnh lý như sau:

- Không yêu cầu lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đối với thành phố trực thuộc Trung ương; không yêu cầu lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đối với thị trấn.

- Đề nghị bổ sung quy định:

+ “Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì không lập quy hoạch sử dụng đất mà lập, phê duyệt quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.”.

+ “Đối với quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị trấn đã có quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất mà lập, phê duyệt quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, làm cơ sở nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng của địa phương.”.

- Lược bỏ một số quy định về khoanh định đất khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng tuyến phát triển hạ tầng và điểm kết nối giao thông;

- Đề nghị bổ sung đất xây dựng công trình hạ tầng, kỹ thuật (cấp nước sạch, thoát nước mưa và nước thải) trong nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (thay thế cho quy định pháp luật về quy hoạch tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014). Trong quá trình xây dựng nội dung của Dự án luật, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu để có quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể hơn, trong đó sẽ nghiên cứu, đánh giá về các trường hợp như cử tri tỉnh Lâm Đồng đề xuất.

Đối với nội dung kiến nghị tại mục 23:

Về cơ chế quản lý đối với khu vực ngoại thị: Theo khoản 1 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị quy định đô thị bao gồm: Nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã, thị trấn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định việc áp dụng cơ chế quản lý, thực hiện tại khu vực ngoại thị (ngoại thành của thành phố, ngoại thị của thị xã) như trong công tác lập quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng. Do đó, các địa phương rất lúng túng trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước tại khu vực này. Do vậy, kiến nghị trình Chính phủ bổ sung quy định việc áp dụng cơ chế quản lý, thực hiện đối với khu vực ngoại thị theo hướng như đối với khu vực nội thị, cụ thể: Công tác quy hoạch thực hiện theo Luật quy hoạch đô thị, lập quy chế kiến trúc đô thị, đầu tư xây dựng công trình theo tiêu chuẩn đô thị và thực hiện cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại đô thị để các địa phương căn cứ thực hiện.

Vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Để quản lý đô thị theo quy định pháp luật cần thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và pháp luật liên quan.

Theo pháp luật về quy hoạch đô thị, việc quản lý đối với khu vực đô thị theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị gồm: Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị thực hiện theo Mục 2; Quản lý và sử dụng đất đô thị theo Mục 3 và Quản lý xây dựng theo Mục 5. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cần căn cứ các quy định pháp luật nêu trên để quản lý theo quy định. Quá trình lập đồ án quy hoạch, UBND các cấp cần rà soát việc lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định về pháp luật đô thị để có cơ sở kiểm soát, quản lý chặt chẽ đô thị.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (thay thế cho quy định pháp luật về quy hoạch tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014); trong quá trình xây dựng nội dung của Luật, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu để có quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể hơn đối với từng trường hợp đáp ứng yêu cầu thực tiễn.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 73/BXD-QHKT.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)