Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV

Thứ tư, 15/02/2017 09:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 15/02, Bộ Xây dựng đã có công văn267/BXD-VLXD trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV. Nội dung kiến nghị: Sau nhiều năm thiếu hụt, đến nay sản lượng xi măng trong nước đã cân đối được cung cầu và trong thời gian tới sẽ dư thừa với khối lượng lớn. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy đã sử dụng công nghệ lò đứng lạc hậu, phát thải khí độc, khói bụi ra môi trường. Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng sớm quy hoạch lại ngành xi măng để ổn định cung cầu và phát triển bền vững, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường?Về vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau: 

1. Về vấn đề cung cầu xi măng

a) Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đã được phê duyệt

Ngày 29/8/2011 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1488/QĐ-TTg Phê duyệt Quy oạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch 1488). Dự báo sản lượng và nhu cầu tiêu thụ trong giai đoạn 2015-2020 như sau:

- Năm 2015, cả nước có 91 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 94,24 triệu tấn; nhu cầu tiêu thụ xi măng là 75-76 triệu tấn.

- Năm 2020, cả nước có 113 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 129,52 triệu tấn; nhu cầu tiêu thụ xi măng là 93-95 triệu tấn.

b) Thực tiễn thực hiệnQuy hoạch 1488

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng Công ty xi măng Việt Nam, Hiệp hội xi măng Việt Nam và các địa phương, thực tế sản lượng xi măng sản xuất và tiêu thụ như sau:

- Năm 2015, cả nước có 76 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 81,56 triệu tấn. Tiêu thụ năm 2015 là 72,7 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước 56,45 triệu tấn, xuất khẩu 16,25 triệu tấn.

- Năm 2016, cả nước có 79 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 87,86 triệu tấn. Tiêu thụ 75,5 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước đạt 60 triệu tấn, xuất khẩu 15,5 triệu tấn.

Qua điều tra khảo sát, thực tiễn đầu tư, sản xuất, Bộ Xây dựng dự báo cung cầu xi măng trong giai đoạn từ năm 2017-2020:

- Năm 2017 cả nước sẽ có 81 dây chuyền với tổng công suất thiết kế là 94,66 triệu tấn, dự kiến tiêu thụ 78-80 triệu tấn.

- Dự kiến năm 2018 cả nước sẽ có 83 dây chuyền với tổng công suất thiết kế là 98,76 triệu tấn, tiêu thụ 86-88 triệu tấn.

- Dự kiến năm 2019 cả nước sẽ có 85 dây chuyền với tổng công suất thiết kế là 101,96 triệu tấn, tiêu thụ 93-95 triệu tấn.

- Dự kiến năm 2020 cả nước sẽ có 88 dây chuyền với tổng công suất thiết kế 109,46 triệu tấn,tiêu thụ 100-102 triệu tấn.

Như vậy, từ công tác quy hoạch và thực tiễn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, Bộ Xây dựng thấy rằng nguồn cung xi măng cả nước đến năm 2020 sẽ thấp hơn khoảng 20 triệu tấn so với Quy hoạch 1488, tổng nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng khoảng 7 triệu tấn so với Quy hoạch 1488. Trong điều kiện hiện nay và dự báo phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, chưa có khả năng xảy ra đột biến gây mất cân đối lớn về cung cầu xi măng trong thời gian tới. Tuy vậy, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất và tiêu thụ xi măng để đề xuất các giải pháp phù hợp.

2. Về vấn đề chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng

Theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng từ lò đứng sang lò quay. Hiện tại, theo số liệu khảo sát của Bộ Xây dựng, các nhà máy sản xuất xi măng theo công nghệ lò đứng trên toàn quốc đã dừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang công nghệ lò quay theo Quy hoạch 1488.

3. Về vấn đề sớm quy hoạch lại ngành xi măng

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiến hành rà soát để điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2025 và định hướng đến năm 2035 theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 7762/VPCP-KTN ngày 16/9/2016 của Văn phòng Chính phủ. Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng trong giai đoạn tới sẽ đề cập một số vấn đề liên quan, trong đó có định hướng ưu tiên công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, sử dụng chất thải, phế thải làm nguyên, nhiên liệu trong sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường để đảm bảo ngành xi măng ổn định và phát triển bền vững.



Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 267/BXD-VLXD. 

Tài liệu đính kèm bài viết
BXD_267-BXD-VLXD_15022017.docxTải về
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)