Tham dự Hội thảo TS. Trần Hồng Mai - Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Đề án BIM Bộ Xây dựng, ông Daniel Green - Giám đốc Phụ trách Khối Chính phủ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Autodesk, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện các Sở Xây dựng dịa phương,các doanh nghiệp và đông đảo chuyên gia trong nước, quốc tế.
Mô hình BIM (Building Information Modeling) hiện đang được áp dụng phổ biến trên thế giới, ở nhiều mức độ khác nhau nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng. Tuy nhiên, BIM còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Hồng Mai cho biết, hiện nay nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, bao gồm chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp… đã bắt đầu triển khai áp dụng BIM trong xây dựng công trình, vì những lợi ích thiết thực mà BIM mang lại, như giúp chủ đầu tư rút ngắn tiến độ xây dựng công trình, tiết kiệm chi phí thông qua việc tối ưu hóa và xử lý trước các khó khăn trong giai đoạn thiết kế, thi công, kiểm soát chặt chẽ khối lượng thực hiện…Tuy nhiên, việc áp dụng BIM tại Việt Nam vẫn còn thấp, mang tính tự phát và chưa có định hướng.
Ông Daniel Green phát biểu tại Hội thảo
Để triển khai áp dụng rộng rãi BIM trong lĩnh vực xây dựng, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 2500/QĐ-TTg phê duyệt Đề án áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình (Đề án). Theo đó, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Thực hiện nhiệm vụThủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án và ban hành kế hoạch hành động cụ thể. Trong giai đoạn 2017 - 2019, Đề án tập trung cho các hoạt động nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh áp dụng BIM; xây dựng hành lang pháp lý và hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quanđể áp dụng BIM; xây dựng các hướng dẫn về BIM; xây dựng chương trình khung đào tạo kiến thức về BIM và nâng cao năng lực cho các cơ quan chuyên môn. Trong giai đoạn từ 2019 - 2020, Đề án chú trọng triển khai áp dụng thí điểm BIM trong thiết kế, thi công, quản lý tại một số công trình xây dựng mới; thí điểm BIM trong quản lý vận hành một số công trình quan trọng; đánh giá tình hình áp dụng thí điểm BIM.Từ năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ ban hành các thông tư, hướng dẫn cụ thể để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và vận hành công trình.
Ông Trần Hồng Mai nhấn mạnh, BIM là một trong những giải pháp quan trọng để ngành Xây dựng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Daniel Green cho biết, BIM được áp dụng ở tất cả các giai đoạn của công trình. Chẳng hạn, từ giai đoạn thiết kế, thông tin về công trình được lưu trữ sẽ được chuyển giao cho bộ phận thi công. Trong quá trình thi công, thông tin sẽ được cập nhật, lưu trữ trong BIM và tiếp tục chuyển giao cho đơn vị vận hành để việc vận hành công trình được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Có thể nói, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước… có thể hợp tác với nhau trong việc khai thác cơ sở dữ liệu mà BIM lưu trữ.
Quang cảnh Hội thảo
Ông Daniel Green nhấn mạnh, Autodesk sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thành công những tài liệu về quá trình thực hiện BIM của các nước trên thế giới, đồng thời phát huy vai trò của mình trong việc hợp tác, triển khai các công trình áp dụng BIM tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận nhiều nội dung liên quan đến việc áp dụng BIM tại Việt Nam như: Các giải pháp triển khai áp dụng BIM có tính khả thi trong các doanh nghiệp tư vấn, xây lắp, cũng như trong quản lý các dự án đầu tư xây dựng phù hợp với đặc thù Việt Nam; thảo luận các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của việc áp dụng BIM theo lộ trình; các biện pháp khai thác tối đa những cơ hội và tiềm năng để áp dụng BIM một cách có hiệu quả, từng bước hội nhập với thế giới.
Trần Đình Hà