Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tiếp và làm việc với đoàn công tác của tỉnh Thái Bình

Thứ sáu, 30/03/2018 21:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 30/3/2018 tại Trụ sở cơ quan Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình dẫn đầu. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh và lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Ca đã báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2017. Theo đó, năm 2017, tỉnh Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đề ra: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 11,2%, giá trị sản xuất tăng 13,15% so với năm 2016, là một trong 3 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng. Sản xuất nông nghiêp, thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh, vượt kế hoạch đề ra và cao hơn mức tăng của nhiều năm trước. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, tổng vốn đầu tư phát triển tăng trên 23%; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đến nay đã có gần 200 xã (75% số xã toàn tỉnh) và 1/7 huyện đạt tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng lên đáng kể. Tỉnh cũng đang tập trung thực hiện Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2020, Thái Bình có 01 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh là thành phố Thái Bình, 5 đô thị loại IV, 9 đô thị loại V.Năm 2017, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 dự án cấp, thoát nước đồng bộ bằng nguồn vốn ODA Phần Lan tại 4 thị trấn; dự án cải tạo và thoát nước thành phố bằng nguồn vốn ODA của Na Uy. Về cấp nước sạch nông thôn hiện có 31 doanh nghiệp đầu tư, quản lý vận hành 57 công trình, tổng công suất 270.160m3/ngđ; 100% xã được cấp nước sạch; Tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn tại khu vực đô thị đạt 100%, nông thôn đạt 80%...

Về công tác quản lý, phát triển nhà ở, Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm để tổ chức thực hiện. Đến nay, diện tích nhà ở bình quân của Thái Bình đạt khoảng 25,4m2 sàn/người, trong đó đô thị khoảng 31m2 sàn/người. Công tác quản lý đầu tư xây dựng được tỉnh phân cấp triệt để, gắn với cải cách thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính của ngành Xây dựng được thực hiện tại Trung tâm hành chính công. Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán, kiểm tra công tác nghiệm thu, cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng đã đi vào nền nếp…Trong lĩnh vực quản lý và phát triển vật liệu xây dựng, tỉnh đã hoàn thành Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi thủ công, triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD theo Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn…

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thái Bình cũng kiến nghị một số vướng mắc của tỉnh trong quá trình thực hiện các công việc liên quan chức năng quản lý nhà nước và thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Các kiến nghị này đã được lãnh đạo các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ Xây dựng trả lời trực tiếp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mới của tỉnh Thái Bình, cho thấy sự cố gắng của Thái Bình trong thời gian qua: kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, có nhiều chỉ tiêu ấn tượng, tốc độ tăng trưởng với 2 con số, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu ngân sách tăng mạnh, thu nội địa đạt mức cao, thu hút đầu tư có khởi sắc, đi đầu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới với 75% số xã và 1/7 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội được tỉnh quan tâm chăm lo; an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững…

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Thái Bình là một tỉnh nằm trong vùng trũng của vùng đồng bằng duyên hải Bắc Bộ, cơ sở hạ tầng rất khó khăn mặc dù đã được tập trung đầu tư, do đó những thành tựu đạt được của Thái Bình thời gian qua là hết sức ấn tượng, có tính đột phá.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về xây dựng luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo. Sở Xây dựng cố gắng phối hợp với các Sở, ngành tham mưu lãnh đạo tỉnh làm tốt công tác quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn: Trật tự xây dựng được bảo đảm, quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đi vào nền nếp, ngày càng hiệu quả hơn, các chỉ tiêu hạ tầng đô thị đạt tốt về cấp nước, thu gom xử lý rác thải, quan tâm phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, bộ mặt đô thị của Thái Bình ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.

Về những vướng mắc cơ chế, chính sách, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã giải đáp trực tiếp và sẽ có văn bản hướng dẫn tỉnh thực hiện.

Về các đề xuất của tỉnh về việc đưa thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I vào năm 2020; cơ chế đặc thù về bồi thường giải phóng mặt bằng khi cải tạo chung cư cũ; cơ chế thuê, thuê mua tài sản làm trụ sở các cơ quan nhà nước… Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bày tỏ ủng hộ và đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét./.
 

Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)