Hội thảo “Quy hoạch đô thị Hà Nội - Định hướng phát triển kiến trúc, quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng”

Thứ tư, 27/12/2017 17:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 27/12/2017, tại Hà Nội, Viện Kiến trúc Quốc gia (thuộc Bộ Xây dựng) phối hợp với UBND huyện Đông Anh tổ chức Hội thảo “Quy hoạch đô thị Hà Nội - Định hướng phát triển kiến trúc, quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng”. Tham dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn; Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng; Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm, cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn phát biểu tại Hội thảo

Đông Anh là một huyện ngoại thành phía Bắc Thủ đô Hà Nội, có 23 xã và 1 thị trấn, với tổng diện tích 18.230ha, dân số khoảng 38 vạn người. Đây là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt” có bề dày lịch sử, với Thành Cổ Loa nổi tiếng, nơi từng 2 lần được chọn làm Kinh đô nước Việt xưa (thời kỳ vua An Dương Vương và vua Ngô Quyền).

Ngày nay, huyện Đông Anh đang trên đà phát triển mạnh mẽ, là địa phương đi đầu thành phố Hà Nội trong công tác lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, với 12/15 đồ án quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn đã được phê duyệt, 23/23 xã thuộc huyện đã được lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn huyện Đông Anh hiện có hơn 90 đồ án, dự án đã và đang triển khai hoặc đã được chấp thuận chủ trương, như: Các dự án hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), gồm: Công viên Kim Quy; Công viên công nghệ phần mềm; Trung tâm tài chính Phương Trạch; Dự án phát triển đô thị 2 bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, đường Trường Sa; Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng; Khu liên hợp Bệnh Viện Chi; Trường cao đẳng nghề công nghiệp; Tổ hợp Y tế - Chăm sóc sức khỏe Công nghệ cao tại Hà Nội... và nhiều dự án, công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, xã hội, như: Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia; Trung tâm thương mại tại xã Kim Nỗ; Khu du lịch sinh thái Vân Nội; Trung tâm giao lưu hàng hóa; Trường quay Cổ Loa…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với việc mở rộng địa giới hành chính và mở rộng không gian phát triển Thủ đô, huyện Đông Anh sẽ là khu vực phát triển đô thị quan trọng của thành phố Hà Nội, là khu vực đô thị mới, trung tâm hành chính thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển đô thị hiện đại gắn với bảo tồn giá trị di sản khu di tích Thành Cổ Loa và giá trị cảnh quan thiên nhiên, là đô thị hiện đại kiểu mẫu phía Bắc sông Hồng, trung tâm tài chính, văn hóa lớn của Hà Nội và cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực phía Bắc sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là vai trò đầu mối kinh tế, giao thông vận tải và hạ tầng kỹ thuật ở phía Bắc Thủ đô, là không gian đô thị trọng yếu kết nối giao thông khu trung tâm Thủ đô với không gian cửa ngõ hàng không quốc gia, gắn kết khu vực đô thị 2 bên sông Hồng.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết, trong tương lai, Hà Nội sẽ xây dựng cầu Tứ Liên và một số cầu khác bắc qua sông Hồng, thuộc địa phận huyện Đông Anh, nhằm tăng cường kết nối khu vực phía Bắc sông Hồng với trung tâm thành phố nhằm khai thác và phát huy những niềm năng to lớn của khu vực này. Do đó, Đông Anh cần chú trọng khai thác nguồn tài nguyên đất đai, công khai, minh bạch các quy hoạch.

Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn liên ngành để các bên liên quan, các chuyên gia trao đổi, phân tích, lý giải và đề xuất giải pháp dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn để có được nhận định, cơ sở và kết quả khoa học để các cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội và các địa phương liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp và lộ trình thực hiện trong thời gian tới nhằm phát triển đô thị Bắc sông Hồng (khu vực huyện Đông Anh) trở thành khu vực phát triển đô thị quan trọng của Thủ đô Hà Nội, có đủ yếu tố để hình thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ, góp phần xây dựng thành phố Hà Nội là thành phố Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Nhằm xây dựng Đông Anh trở thành một trung tâm đô thị mới hiện đại, đồng bộ, là “cực trung tâm đô thị” mới thu hút dân cư và góp phần giảm áp lực về dân số cho khu vực nội đô hiện hữu, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm nêu lên những giải pháp đã và đang được Đảng bộ, chính quyền huyện Đông Anh chú trọng thực hiện, như: Đẩy mạnh công tác lập, rà soát, điều chỉnh, quản lý và triển khai quy hoạch nhằm đảm bảo việc phát triển kinh tế xã hội của huyện Đông Anh phù hợp với quy hoạch phát triển chung của huyện và của thành phố Hà Nội; tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, số hóa bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, kiến trúc quy hoạch; tăng cường bảo vệ môi trường…

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến định hướng phát triển kiến trúc, quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng, như: Quy hoạch và đầu tư phát triển Đông Anh: Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; giới thiệu về quy hoạch và định hướng phát triển phía Bắc Sông Hồng; quản lý đầu tư phát triển đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng, thủ đô Hà Nội theo quy hoạch và kế hoạch; kinh nghiệm và giải pháp kiểm soát quá trình đô thị hóa tại khu vực ven đô - khu vực phía Bắc sông Hồng, thủ đô Hà Nội; kinh nghiệm huy động nguồn lực đầu tư phát triển đô thị.

Trình bày tham luận “Kinh nghiệm Nhật Bản về mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD)”, Tiến sỹ Dr. Iwata Shizuo - Chuyên gia đến từ Nhật Bản cho biết, Nhật Bản rất chú trọng mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống đường sắt đô thị, đồng thời xây dựng các quảng trường ga hiện đại nhằm đảm bảo kết nối thuận tiện giữa các tuyến đường sắt đô thị với các loại hình và phương tiện giao thông khác như: Bến xe bus, taxi, đường bộ hành… Bên cạnh đó, phát triển TOD phải theo giai đoạn, tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của đô thị, đồng thời không ngừng cải thiện thiện thể chế để đảm bảo phù hợp với thực tế xã hội.

Toàn cảnh Hội thảo


Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)