Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Sau 30 năm đổi mới, tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam đã gắn kết với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng 37,5%, số lượng đô thị đạt 813 đô thị từ loại đặc biệt đến loại V, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh tại các đô thị lớn và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và cả nước.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nếu không được khắc phục và kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và hậu quả lâu dài về nhiều mặt, như: Mạng lưới đô thị tăng về số lượng, quy mô, nhưng chất lượng, năng lực cạnh tranh chưa cao; đô thị chưa thể hiện đúng vai trò tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho vùng và quốc gia; chưa tương thích và chưa đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, tài nguyên và chủ động ứng phó với biến đôi khí hậu; hệ thống hạ tầng chưa đảm bảo kết nối giữa các đô thị lớn đến các đô thị nhỏ; trong từng đô thị, hạ tầng khung cũng chưa đáp ứng tốt các liên kết giữa các khu chức năng đô thị.
Bên cạnh đó, tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến, diện rộng ở các đô thị. Các khu vực đô thị hiện hữu, nhất là trung tâm đô thị chậm được cải tạo, chỉnh trang. Dự án đầu tư phát triển đô thị có tỷ lệ hoàn thành và đưa vào sử dụng thấp, gây lãng phí, nguồn lực cho phát triển tại các đô thị còn thiếu, quản lý phát triển đô thị chưa hiệu quả, năng lực, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu quản lý đô thị các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…
Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, để giải quyết tốt những bất cập nêu trên, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm hoàn thiện thể chế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, với mục tiêu hoàn thiện hệ thống công cụ pháp luật điều chỉnh các hoạt động về phát triển đô thị hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm kiến tạo môi trường sống đô thị có chất lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các đô thị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các vùng và cả nước.
Tại Hội thảo, sau khi nghe lãnh đạo Cục Phát triển đô thị giới thiệu dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý cho Dự thảo theo 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua, gồm: Chính sách phát triển đô thị theo định hướng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; chính sách phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ; chính sách quản lý đầu tư phát triển đô thị; chính sách phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, xanh, sinh thái; chính sách đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị; chính sách tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển đô thị.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra những góp ý nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ bằng văn bản pháp luật trong quá trình quản lý phát triển đô thị, đầu tư phát triển đô thị; những nội dung pháp luật có liên quan còn chồng chéo; sự phân công phối hợp còn chưa rõ, chưa đúng, chưa thể hiện vai trò nhạc trưởng trong quản lý phát triển đô thị của cơ quan chuyên môn.
Trần Đình Hà