Dự Lễ hưởng ứng có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đại diện một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, cán bộ công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Cơ quan Bộ Xây dựng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, Ngày Pháp luật Việt Nam bên cạnh việc khẳng định, tôn vinh giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội, phát triển đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân còn góp phần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật trong các hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng.
Trong những năm qua, Bộ Xây dựng luôn chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng, gắn với việc tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh phát biểu tại Lễ hưởng ứng
Để Ngày Pháp luật năm 2018 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, ý nghĩa, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng với tầm nhìn tổng thể, dài hạn; rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; cải cách hành chính và các quy định liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường hơn nữa việc triển khai thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật; phối hợp với tổ chức công đoàn ngành, công đoàn cơ sở trong phổ biến, tuyên truyền chấp hành pháp luật, đồng thời minh bạch thông tin về đầu tư xây dựng, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, đối thoại với doanh nghiệp góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng.
Cũng tại Hội nghị, Bà Tống Thị Hạnh Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện văn bản hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật hàng năm, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Đảng, Nhà nước ban hành, đăng tải thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng, Tạp chí Xây dựng, Ấn phẩm Thông tin xây dựng cơ bản và Khoa học công nghệ xây dựng, Tạp chí Xây dựng và Đô thị; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại cơ quan, đơn vị.
Trong 5 năm, từ năm 2013 - 6/2018, Bộ Xây dựng đã tổ chức 1.199 lớp tập huấn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ về các nội dung pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng với 92.809 lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền, phổ biến ngày càng được định hướng rõ ràng, bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị gắn với thực tiễn thi hành pháp luật qua đó góp phần nâng cao ý thức, niềm tin pháp luật, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.
Toàn cảnh Lễ hưởng ứng
Với tinh thần tích cực hưởng hứng ngày Pháp luật Việt Nam, Bà Tống Thị Hạnh đã phổ biến Quy chế soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; các nội dung về bình đẳng giới trong xây dựng chính sách văn bản quy phạm pháp luật; phần mềm quản lý theo dõi tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được xem là biện pháp chiến lược để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội phát triển như nhau cho nam và nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội nói chung, trong ngành Xây dựng nói riêng.
Theo Bà Tống Thị Hạnh, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng cần nỗ lực phấn đấu bằng những hành động cụ thể, nhằm chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật ngày càng đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả nhất.
Trần Đình Hà