Hội nghị khoa học quốc tế kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện Khoa học công nghệ Xây dựng

Thứ năm, 08/11/2018 17:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng nay, 8/11/2018, tại Hà Nội, Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng(Viện IBST) đã phối hợp với Viện Bê tông Hoa Kỳ (ACI) và trường Đại học Melbourne (Úc) tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện (18/11/1963 - 18/11/2018). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đến dự và phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng chào mừng các đại biểu, chuyên gia, khách mời trong và ngoài nước tham dự Hội nghị khoa học quốc tế kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện IBST.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng đánh giá Viện IBST là một trong những Viện nghiên cứu chuyên ngành hàng đầu của Bộ Xây dựng, với tập thể ban lãnh đạo giàu kinh nghiệm và đội ngũ cán bộ, chuyên gia nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao. Trong suốt 55 xây dựng và trưởng thành, Viện IBST đã không ngừng phát triển, mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học với các đối tác trong và ngoài nước, có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp phát triển bền vững ngành Xây dựng, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng tin tưởng với tinh thần đoàn kết, gắn bó cũng như sự tâm huyết của những cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, cùng với định hướng phát triển đúng đắn, không ngừng mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế, Viện IBST ngày càng khẳng định vai trò Viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành và tư vấn hàng đầu quốc gia trong lĩnh vực xây dựng.

Viện IBST có tiền thân là Viện Thí nghiệm vật liệu xây dựng, trực thuộc Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng), được thành lập ngày 18/11/1963. Viện có các chức năng: Nghiên cứu khoa học, công nghệ, biên soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn; phục vụ công tác quản lý Nhà nước các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng và tại các công trình quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia; tư vấn xây dựng; lập dự án đầu tư, khảo sát địa chất, môi trường, lập hệ thống mốc, lưới phục vụ thiết kế, thi công, khai thác công trình; thiết kế, thẩm tra thiết kế và tổng dự toán công trình xây dựng; tư vấn đấu thầu, quản lý dự án, giám sát chất lượng xây lắp công trình; kiểm định chất lượng vật liệu, kết cấu, thiết bị; lưới trắc địa phục vụ xây dựng.

Bên cạnh đó, Viện còn có chức năng chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; chứng nhận hợp chuẩn, thử nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu, hóa phẩm xây dựng; kinh doanh, xuất nhập khẩu thiết bị công nghệ, thiết bị thí nghiệm xây dựng; thi công xây dựng mới; sửa chữa, cải tạo công trình; trùng tu, bảo tồn công trình di tích, công trình kiến trúc cổ; đào tạo và cấp bằng tiến sỹ kỹ thuật, trưởng phòng thí nghiệm, thí nghiệm viên, kiểm định viên, tư vấn giám sát chất lượng, quản lý dự án, tư vấn đấu thầu, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá, bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến thông tin về khoa học công nghệ xây dựng và tiêu chuẩn hóa xây dựng, các chuyên đề kỹ thuật và hợp tác quốc tế các lĩnh vực khoa học công nghệ xây dựng; hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao…
 

Chuyên gia Viện Bê tông Hoa Kỳ phát biểu tại Hội nghị
 

Tại Hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trao đổi, chia sẻ và thảo luận các nội dung chuyên ngành theo nhiều chủ đề khác nhau, gồm: Môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; bê tông và vật liệu xây dựng; kết cấu và công nghệ xây dựng; địa kỹ thuật và trắc địa công trình; kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và cơ điện; ăn mòn và bảo vệ công trình; tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng; kiểm định xây dựng.

Có thể nói, lĩnh vực địa kỹ thuật là một trong những thế mạnh đặc biệt của Viện IBST. 55 năm qua, Viện đã nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao nhiều phương pháp khảo sát tiên tiến, công nghệ xử lý nền và móng công trình. Đó là khảo sát địa kỹ thuật bằng phương pháp tiên tiến trong phòng và hiện trường; xử lý nền đất yếu bằng trụ đất - xi măng, bấc thấm; công nghệ cọc trong điều kiện đặc biệt (hang động karst, sườn dốc, nền đang cố kết…); cọc ép phục vụ gia cường nền móng hoặc xây mới công trình; thi công hố đào trong đất yếu và trong đô thị…

Trong khi đó, lĩnh vực kết cấu và công nghệ xây dựng giữ vai trò then chốt trong các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Viện IBST. Một số công nghệ đã được Viện nghiên cứu và chuyển giao thành công như: Công nghệ bê tông ứng lực trước; sửa chữa và gia cường kết cấu công trình; công nghệ sửa chữa công trình nhà dân sau động đất; công nghệ giàn lưới không gian nhịp lớn; công nghệ phòng chống cháy…
 

Toàn cảnh Hội nghị
 

Trong lịch sử xây dựng và trưởng thành, Viện IBST đã có nhiều đề tài nghiên cứu chống ăn mòn và bảo vệ công trình như giải pháp công nghệ, vật liệu chống ăn mòn hoá chất và ăn mòn vùng biển; chống thấm công trình, đặc biệt là các công trình ngầm và đập thủy điện; các loại sơn chịu nhiệt, các chất tẩy gỉ thép; các loại sơn trang trí chống thấm, mốc; áp dụng công nghệ chống thấm công trình ngầm tại công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia; tầng hầm, bể nước ngầm công trình CT 21 KĐT Ciputra; sàn đáy tầng hầm HH4 Sông Đà; Công trình Trung tâm thương mại Tràng Tiền và nhiều công trình khác.

Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, với sự cố gắng nỗ lực và những thành tích đạt được, Viện IBST vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005, Huân chương Lao động; Huân chương Độc lập hạng Nhất; nhiều năm liên tục được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua Xuất sắc. Đặc biệt năm 2013, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Viện IBST vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai.
 

Trần Đình Hà
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)