Ngày 18/11/2019, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu 02 dự thảo tiêu chuẩn do Viện Vật liệu xây dựng thực hiện. Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, TS. Nguyễn Quang Hiệp – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp hội đồng nghiệm thu
Tại Hội đồng, Ths. Vũ Ngọc Quí chủ nhiệm dự án biên soạn Dự thảo TCVN: “Vật liệu làm phẳng sàn – Tính chất và yêu cầu kỹ thuật”, mã số TC 15-17 đã báo cáo nội dung và thuyết minh dự thảo. Báo cáo cho biết, hiện nay ở Việt Nam, các công trình đã và đang sử dụng các vật liệu phủ sàn để hoàn thiện bề mặt với diện tích lớn từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông do các đặc điểm ưu việt mà vật liệu này mang lại so với vật liệu lát nền như: thi công nhanh, độ san phẳng cao, độ chịu uốn, nén, độ mài mòn và bám dính cao. Vật liệu phủ sàn có nhiều gốc khác nhau như nhựa tổng hợp, nhựa đường, xi măng…chủ yếu được nhập khẩu và một số được sản xuất trong nước. Tuy được sử dụng tại Việt Nam nhiều năm nay nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn cụ thể để kiểm soát chất lượng của loại vật liệu này. Do đó, việc biên soạn tiêu chuẩn là cần thiết nhằm giúp kiểm soát chất lượng các sản phẩm và tạo cơ sở pháp lý giúp các chủ đầu tư lựa chọn được các loại sản phẩm tốt giúp nâng cao chất lượng công trình.
Tiêu chuẩn “Vật liệu làm phẳng sàn - Tính chất và yêu cầu kỹ thuật đã được nhóm biên soạn nghiên cứu xây dựng dựa trên tiêu chuẩn Châu Âu EN 13813:2002. Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật cho vật liệu làm phẳng sàn sử dụng cho cả sàn trong nhà và ngoài trời đối với vật liệu làm phẳng sàn gốc xi măng. Tiêu chuẩn này không sử dụng để cung cấp các tiêu chí và khuyến nghị cho việc thiết kế và thi công.
Tiêu chuẩn Tiêu chuẩn “Vật liệu làm phẳng sàn - Phương pháp thử” mã số TC 16-17 có nội dung được chuyển dịch dựa trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn EN 13892:2002. Tiêu chuẩn này áp dụng cho vật liệu làm phẳng sàn vữa gốc xi măng, canxi sunfat, magnesit và nhựa tổng hợp.
Dự thảo TCVN “Vật liệu làm phẳng sàn - Phương pháp thử” bao gồm 9 phần. Phần 1: Lấy mẫu, chế tạo và bảo dưỡng mẫu thử; Phần 2: Phương pháp xác định cường độ chịu uốn và chịu nén; Phần 3: Phương pháp xác định độ chịu mài mòn - Bohme; Phần 4: Phương pháp xác định độ chịu mài mòn - BCA; Phần 5: Xác định độ chịu mài mòn bánh xe của lớp vật liệu làm phẳng sàn bị mài mòn; Phần 6: Phương pháp xác định độ cứng bề mặt; Phần 7: Xác định độ chịu mài mòn bánh xe của vật liệu làm phẳng sàn có lớp phủ sàn; Phần 8: Phương pháp xác định cường độ bám dính; Phần 9: Xác định độ co và độ nở.
Tại cuộc họp, ý kiến của hai ủy viên phản biện là ThS. Đỗ Thị Lan Hoa - Phó Giám đốc Viện chuyên ngành Bê tông (Viện Khoa học công nghệ xây dựng) và TS. Văn Viết Thiên Ân - Phó trưởng khoa Vật liệu xây dựng (Đại học Xây dựng) cùng các thành viên của Hội đồng đánh giá hai dự thảo tiêu chuẩn TCVN nói trên đã được nhóm tác giả biên soạn công phu, cẩn thận. Với nội dung dài và nhiều thuật ngữ chuyên môn mới, phức tạp nhưng đã được chuyển dịch tốt. Về cơ bản cả hai dự thảo đã phản ánh đúng nội dung của tiêu chuẩn gốc, tuy nhiên vẫn còn một số lỗi nhỏ trong chuyển dịch và trình bày.
Cả hai dự thảo tiêu chuẩn TCVN đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua, đạt loại Khá.
Ninh Hoàng Hạnh