Sự cần thiết ban hành luật
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật, theo đó, Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Luật Xây dựng năm 2014 đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn của đất nước.
Sau khi Luật được thông qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật. Các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành; các Bộ, ngành cơ quan Trung ương, chính quyền các cấp và các chủ thể liên quan khác đã chủ động tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay đã có một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật…
Sau khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, đã có một số Luật mới được ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14; các Luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai… Vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về quan điểm, yêu cầu xây dựng Luật: Phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; Phù hợp với thực tiễn, tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất và đã được đánh giá tác động, để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện; Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính tương thích của các chính sách với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên...
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 51 Điều
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 03 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, các nội dung cụ thể đã được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện hơn so với các nội dung đã đề xuất tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Cụ thể: Nhóm chính sách 1 “Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Nhóm chính sách 2 “Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng”; Nhóm chính sách 3 “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan”.
Về nội dung dự thảo luật, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 51 Điều và thay thế thuật ngữ tại 14 Điều của Luật hiện hành. Theo đó, Bổ sung vào Điều 2 nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công tại nước ngoài; Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ tại Điều 3 về giải thích từ ngữ; Sửa đổi, bổ sung Điều 4 về nguyên tắc đầu tư xây dựng, trong đó bổ sung nội dung về trách nhiệm các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, nguyên tắc tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng.
Sửa đổi, bổ sung Điều 5 về xác định loại, cấp công trình xây dựng theo hướng Chính phủ quy định về tiêu chí, nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình và Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khác hướng dẫn chi tiết về phân loại, phân cấp công trình xây dựng.
Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 7 theo hướng bổ sung quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 9 theo hướng bổ sung quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 là bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm mua loại bảo hiểm này.
Sửa đổi, bổ sung Điều 25 theo hướng làm rõ các cấp độ quy hoạch xây dựng khu chức năng, bổ sung các trường hợp được lập quy hoạch phân khu không cần lập quy hoạch chung khu chức năng, trường hợp được lập quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung.
Sửa đổi, bổ sung Điều 49 về phân loại dự án theo hướng làm rõ các tiêu chí phân loại dự án để xác định các phương thức quản lý phù hợp và phân cấp quản lý Nhà nước trong hoạt động xây dựng.
Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 50 theo hướng quy định về phân chia dự án thành phần tại giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư. Sửa đổi, bổ sung Điều 52 theo hướng quy định đối tượng dự án phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định tại Luật Xây dựng.
Sửa đổi, bổ sung nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tại các Điều 54, 56, 57, 58, 59, 60, 61, 71, 72 theo hướng: Phân tách trách nhiệm thẩm định để phê duyệt dự án của cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư và trách nhiệm kiểm soát các nội dung thuộc quản lý Nhà nước của cơ quan chuyên môn về xây dựng; Sửa đổi, bổ sung nội dung thẩm định về sự phù hợp với quy hoạch xây dựng (các cấp độ) hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành của cơ quan chuyên môn về xây dựng bảo đảm phù hợp với quy định mới của Luật Quy hoạch; bổ sung nội dung thẩm định đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở.
Làm rõ việc thực hiện song song, đồng thời các thủ tục liên quan trong quá trình thẩm định dự án để rút ngắn thời gian thẩm định.
Quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án phù hợp với các pháp luật có liên quan: Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Sửa đổi, bổ sung Điều 62, bãi bỏ Khoản 1, Điều 63 về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng, quy định rõ hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực chỉ bắt buộc áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công khi Ban quản lý dự án được người quyết định đầu tư giao quản lý nhiều dự án đồng thời hoặc nối tiếp, liên tục trên cùng một địa bàn hoặc thuộc cùng một chuyên ngành.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại các Điều 78, 82, 83, 83a, 85, 87 theo hướng làm rõ các bước thiết kế cần thẩm định, phê duyệt; giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn khác…
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp giấy phép xây dựng tại các Điều: 89, 91, 94, 95, 96, 102, 103, 106, 107 theo hướng: rà soát đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng cho phù hợp với việc tích hợp nêu trên; mở rộng đối tượng công trình được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn; đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng...
Dự thảo Luật có tính khả thi cao
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng bày tỏ sự tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Luật Xây dựng ban hành năm 2014, có hiệu lực năm 2015, sau hơn 4 năm thực hiện đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế. Vì vậy, Luật Xây dựng năm 2014 cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Nhấn mạnh về tính khả thi của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: “Dự thảo Luật được xây dựng từ yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Do đó, về cơ bản, Dự thảo Luật có tính khả thi cao”.
“Tuy nhiên, có một số quy định trong Dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát thêm về tính khả thi, tính cụ thể như: phân loại, cấp công trình xây dựng; xây dựng công trình cấp bách; quản lý trật tự xây dựng; quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng công trình; bổ sung chế tài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng…”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng lưu ý.
Theo báo Xây dựng