Thay mặt nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài, TS. Đinh Quốc Dân đã trình bày báo cáo tóm tắt đề tài trước Hội đồng. Báo cáo cho biết, hiện nay, cả nước có 28 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, dự kiến sau năm 2020, với 43 nhà máy, sẽ thải ra hơn 30 triệu tấn tro xỉ mỗi năm. Trong khi đó, hầu hết các nhà máy chỉ có bãi thải chứa tro xỉ trong khoảng 5 năm và chủ yếu là chôn lấp. Theo thống kê, hiện nay mới chỉ có khoảng 10% lượng tro xỉ thải ra hàng năm được thu gom, sử dụng, còn lại 90% vẫn thực hiện tích chứa hoặc chôn lấp, là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Trước tình hình trên, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Theo đó, đến năm 2020 phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao bảo đảm đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất. Vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng tro xỉ nhiệt điện trong san lấp cho công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật là cần thiết và có ý nghĩa khoa học và kinh tế.
Đề tài có mục tiêu nghiên cứu cơ sở khoa học đánh giá tác động môi trường và tính chất địa kỹ thuật của vật liệu tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện với mục đích khẳng định khả năng sử dụng chúng làm vật liệu san lấp cho công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật.
Báo cáo tổng kết đề tài, gồm Chương 1: Mở đầu; Chương 2: Tổng quan về tồn chứa và sử dụng tro xỉ nhiệt điện; Chương 3: Đánh giá khía cạnh môi trường khi sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp; Chương 4: Các đặc trưng về thành phần và tính chất địa kỹ thuật của vật liệu tro xỉ nhiệt điện; Chương 5: Các vấn đề kỹ thuật sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp; Chương 6: Kết luận và kiến nghị; Tài liệu tham khảo.
Một phần kết quả nghiên cứu thực hiện của đề tài là TCVN 12249:2018 “Tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp – Yêu cầu chung” đã được công bố theo quyết định số 2847/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2018 của Bộ Khoa học công nghệ và Dự thảo “Chỉ dẫn kỹ thuật - Sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp”.
Ý kiến của các thành viên Hội đồng và hai ủy viên phản biện là TS Nguyễn Anh Dũng (Công ty Địa kỹ thuật - môi trường) và PGS.TS Nguyễn Thanh Sang - Trường Đại học Giao thông vận tải đánh giá đề tài đã thực hiện nghiêm túc nội dung nghiên cứu trên cơ sở các tài liệu trong và ngoài nước và tập hợp lớn các số liệu thực tế từ nguồn tro xỉ phát thải đại diện cho công nghệ, nguồn than. Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài là tài liệu tham khảo tốt phục vụ nghiên cứu và triển khai và hình thành khung kỹ thuật hỗ trợ công tác quản lý và kỹ thuật thúc đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, tại hội đồng, các chuyên gia cũng đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong báo cáo tổng kết đề tài. Theo đó, đề tài đã nêu được mục tiêu rõ ràng, tuy nhiên các kết quả thí nghiệm lại không thể hiện được những mục tiêu này; thiếu định nghĩa về tro, xỉ; Kết luận tro xỉ không độc hại là không rõ ràng, các mẫu thử được lấy trên mặt ở bãi thải (nước và tro xỉ) không thể hiện hết đặc tính độc hại; Kết quả thí nghiệm địa kỹ thuật không được giải thích và phân tích; Việc so sánh để xem xét hiệu quả kinh tế còn thô sơ không mang tính kỹ thuật sâu.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS Vũ Ngọc Anh đánh giá đề tài “Sử dụng tro xỉ nhiệt điện trong san lấp cho công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật” là một đề tài lớn, được thực hiện công phu và đề nghị nhóm thực hiện tiếp thu hoàn thiện báo cáo theo góp ý của các thành viên Hội đồng, đặc biệt là góp ý của hai phản biện.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua.
Ninh Hoàng Hạnh