Hội thảo Quốc tế "Khoa học và công nghệ về vật liệu xây dựng cho phát triển bền vững"

Thứ sáu, 01/11/2019 10:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 31/10/2019, tại TP. Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế “Khoa học và công nghệ vật liệu xây dựng cho phát triển bền vững”, do Viện Vật liệu xây dựng (VLXD) tổ chức nhằm hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện (4/11/1969 - 4/11/2019).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu khai mạc Hội nghị

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen; đại diện Đại sứ quán các nước khu vực châu Á; các đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương và đông đảo chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước, quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngành VLXD Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, Việt Nam có hơn 80 dây chuyền sản xuất xi măng áp dụng công nghệ tiên tiến từ các nước châu Âu và khu vực, với tổng công suất thiết kế hơn 100 triệu tấn/năm. Gạch ốp lát cũng được quan tâm đầu tư với hàng trăm dây chuyền thiết bị, nâng tổng công suất lên 750 triệu m2 sản phẩm/năm, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, kính xây dựng, vật liệu xây không nung cũng có bước phát triển đột phá, không những đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao việc Viện VLXD chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức Hội thảo này, tạo cơ hội cho việc trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế, đổi mới khoa học công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm vật liệu thông minh đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh.

Chúc mừng Viện VLXD đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển với nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Việt Nam, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, những năm qua, UNDP đã phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương của Việt Nam, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và công nghệ triển khai nhiều chương trình, dự án hướng đến sự phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
 

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen phát biểu tại Hội thảo

Bà Caitlin Wiesen đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, Bộ Xây dựng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành VLXD thông qua việc nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển vật liệu xây dựng không nung, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các phế thải công nghiệp.

Theo bà Caitlin Wiesen, hợp tác quốc tế về VLXD là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm giúp trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đồng thời truyền cảm hứng cho ngành sản xuất VLXD phát triển với công nghệ và mô hình sản xuất hiện đại trên thế giới hiện nay.
 

Viện trưởng Viện VLXD Lê Trung Thành trình bày tham luận tại Hội thảo

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Viện trưởng Viện VLXD Lê Trung Thành bày tỏ cám ơn Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Bà Caitlin Wiesen và đông đảo đại biểu, khách mời đã quan tâm tham dự Hội thảo và dành những lời chúc tốt đẹp cho Viện VLXD nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, đồng thời cho biết, trong 3 ngày diễn ra Hội thảo (31/10 - 2/11/2019), các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế sẽ tập trung thảo luận các nội dung thiết thực, cụ thể đã được Ban tổ chức chuẩn bị để cung cấp các ý tưởng, chương trình, giải pháp về phát triển vật liệu thông minh, vật liệu mới, thân thiện môi trường với công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nhằm hướng đến phát triển bền vững ngành Xây dựng Việt Nam.
 

Toàn cảnh Hội thảo


Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)