Nghiệm thu Đề tài do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định thực hiện

Thứ ba, 22/10/2019 15:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 21/10/2019, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung với quy mô nhỏ sử dụng nguyên liệu tại chỗ cho một số địa phương (Phục vụ chương trình nông thôn mới)”, mã số TĐ 19-17, do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định thực hiện. Chủ tịch Hội đồng, Vụ trưởng Vụ KHCN và môi trường Vũ Ngọc Anh chủ trì cuộc họp. 

Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu

Tại cuộc họp, Chủ nhiệm đề tài, ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy đã báo cáo khái quát về kết quả đề tài. Theo đó, gạch không nung nói chung và gạch xi măng cốt liệu nói riêng là sản phẩm đang được quan tâm sản xuất và ứng dụng ở Việt Nam do yếu tố tích cực về tận dụng nguyên liệu cũng như bảo vệ môi trường. Nhiều loại vật liệu khoáng là thải phẩm từ công nghiệp khai thác và chế biến cốt liệu (đá mi, bột đá), phế thải phá dỡ công trình xây dựng (gạch vỡ, vữa và bê tông), tro xỉ nhiệt điện…đều có thể sử dụng để sản xuất gạch không nung. Việc tăng cường sử dụng gạch không nung vào công trình tại địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với bảo vệ môi trường và ổn định lực lượng lao động tại địa phương, nhất là lực lượng thanh niên nông thôn. Vì vậy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung với quy mô nhỏ sử dụng nguyên liệu tại chỗ cho một số địa phương (phục vụ chương trình nông thôn mới)” là rất cần thiết.

Báo cáo cho biết, tỉnh Nam Định có gần 300 lò gạch thủ công tồn tại hàng chục năm nay ở các huyện Trực Ninh, Hải Hậu và Giao Thủy. Trong đó, huyện Giao Thủy là địa phương đang có số lò gạch thủ công nhiều nhất đều sử dụng công nghệ lạc hậu (không sử dụng lò nung tuy nel), tiêu tốn nhiều năng lượng, nhiên liệu, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường. Do vậy, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu việc sản xuất gạch không nung từ nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương (cát xây dựng, tro bay, mạt đá và chất kết dính xi măng) trên địa bàn huyện Giao Thủy để nghiên cứu hoàn thiện, chuyển giao công nghệ và tổ chức sản xuất gạch không nung với quy mô nhỏ, tận dụng nguồn phế thải sẵn có, phù hợp nhu cầu “xây dựng xanh” của địa phương, đào tạo nghề và tạo thêm việc làm cho thanh niên nông thôn. 

Nội dung và sản phẩm của đề tài gồm: Khảo sát tình hình nguyên liệu; nghiên cứu công thức cấp phối, lắp đặt thiết bị công nghệ tiên tiến, vận hành, chạy thử: chuyển giao công thức cấp phối đã nghiên cứu hoàn thành; đào tạo 25 thanh niên và tiến hành sản xuất thử nghiệm; tạo ra được sản phẩm đẹp, đảm bảo chất lượng, hình dáng và kích thước theo mẫu đã đăng ký.

Các thành viên Hội đồng đánh giá sản phẩm của đề tài đảm bảo yêu cầu về ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Đề tài có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển đổi và thay thế gạch đất nung bằng gạch không nung theo chủ trương của Chính phủ đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cho xã hội, góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng góp ý cho nhóm thực hiện đề tài bổ sung thêm một số nội dung khoa học để báo cáo kết quả đề tài đạt chất lượng tốt hơn.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Vũ Ngọc Anh tổng hợp ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, đánh giá cao nỗ lực của đơn vị thực hiện đề tài và đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo đề tài theo góp ý của Hội đồng.

 Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu, với kết quả đạt loại Khá.


Ninh Hoàng Hạnh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)