Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp phát triển đường sắt nhẹ đô thị, góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường do khói bụi ở các đô thị lớn của Việt Nam trong quá trình đô thị hóa.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Hiện nay đa số các thành phố lớn của các nước phát triển (và nhiều nước đang phát triển) đều sử dụng đường sắt đô thị, trong đó có đường sắt nhẹ đô thị trong hệ thống giao thông công cộng. Đặc biệt, đường sắt nhẹđô thị được coi là “xương sống” trong bản đồ quy hoạch hệ thống giao thông công cộng tại các đô thị có mật độ dân số cao.
So với cácloại hình phương tiện giao thông công cộng trên mặt đất như taxi, xe bus, hệ thống đường sắt nhẹ đô thị có những ưu điểm vượt trội như tốc độ cao, duy trì nhiều chuyến trong ngày với lượng khách được chuyên chở lớn,phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân sống trong đô thị và các vùng phụ cận, tạo cho hành khách cảm giác thuận tiện và thoải mái.
Đường sắt nhẹ đô thị được xây dựng theo kiểu chạy trên cao, chạy trên mặt đất và chạy ngầm. Khi được thiết kế chạy trên mặt đất, đường sắt nhẹ đô thị không cần xây rào chắn, giúp đô thị đó tiết kiệm chi phí cũng như tạo điều kiện hòa hợp với các phương tiện giao thông đường bộ khác.
Mặt khác, đường sắt nhẹ đô thị dành cho xe chạy bằng điện nên ít gây ảnh hưởng đến môi trường, đây là phương tiện giao thông tốc hành, được hỗ trợ rất nhiều từ công nghệ hiện đại và hệ thống điều khiển tự động, vừa có khả năng vận chuyển hành khách bằng đường trên cao mà không cần phá bỏ công trình hạ tầng bên cạnh, vừa thúc đẩy kết nối giữa các hệ thống xe bus và đường sắt.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Philippe HANNA đến từ công ty INGEROP Engineering (Pháp) nhận định, hiện nay ở Việt Nam, lượng xe máy chiếm phần lớn số lượng các phương tiện tham gia giao thông, góp phần gây nên tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố. Song để thay thế xe máy thì phát triển ô tô cũng không phải là giải pháp hữu hiệu mà nên tăng cường hệ thống đường sắt đô thị với các xe điện thân thiện với môi trường.
Ông Philippe HANNA cho biết, từ những thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, Pháp đã chú trọng phát triển hệ thống xe điện và không ngừng mở rộng. Đến nay, ở Pháp,những đô thị có từ 150.000 dân trở lên đều có xe điện hoạt động. Xe điện phát triển mạnh mẽ là do những đặc điểm ưu việt của nó trong việc chuyên chở hành khách đạt hiệu quả cao, với số lượng lớn, tốn ít diện tích đường giao thông hơn so với nhiều loại phương tiện giao thông khác.
Tại Hội thảo, các diễn giả trong và ngoài nước đã thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề liên quan đến vai trò và giải pháp phát triển đường sắt nhẹ của các thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, như: Tổng quan phát triển xây dựng đường sắt nhẹ đô thị tại Việt Nam; Giải pháp phát triển đường sắt đô thị cho Việt Nam; Vai trò và giải pháp phát triển hệ thống đường sắt nhẹ trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam; Những thuận lợi và khó khăn - giải pháp phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội; Bàn về phát triển giao thông đường sắt tại các thành phố lớn ở Việt Nam; Vai trò quản lý nhà nước trong xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt nhẹ đô thị; Giải pháp kết nối đường sắt nhẹ đối với hệ thống giao thông công cộng đô thị để phát huy tối đa hiệu quả.
Bàn về các giải pháp phát triển đường sắt nhẹ của các thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, ông Đào Ngọc Vinh, Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải cho biết, đường sắt nhẹ phù hợp với đô thị loại trung bình, các đô thị lớn và hành lang các đô thị lớn có mật độ dân cư và đường giao thông nội đô không cao hoặc khu vực có dịch vụ du lịch, giải trí phát triển. Phát triển đường sắt nhẹ ở các thành phố lớn có thể phù hợp với giai đoạn đầu khi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị. Đối với các thành phố loại trung bình, có thể xem xét phát triển đường sắt nhẹ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cũng như hỗ trợ các dịch vụ vui chơi, giải trí…
Trần Đình Hà