Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Minh Hà cho biết: Trong những năm qua, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng ở nước ta đã có nhiều đổi mới, tăng cường kiểm soát chất lượng trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành khai thác. Tuy nhiên trên thực tế, công tác kiểm tra đánh giá chất lượng vật liệu, cấu kiện và kiểm tra sự làm việc bình thường của công trình thông qua quan trắc vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, kiểm tra làm rõ chất lượng của vật liệu, chất lượng bộ phận công trình hay đảm bảo an toàn của công trình… là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong hoạt động xây dựng hiện nay, nhằm giúp các bên liên quan nắm rõ chất lượng công trình và có những điều chỉnh kịp thời để công trình được xây dựng phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn và tiêu chuẩn thiết kế.
Trình bày tham luận “Nứt kết cấu bê tông cốt thép - nguyên nhân từ thiết kế”, PGS.TS. Trần Chủng - Phó Chủ tịch Hội Kết cấu và công nghệ xây dựng Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm về cách nhận dạng các vết nứt cùng cơ chế hình thành vết nứt của kết cấu bê tông cốt thép có nguyên nhân từ thiết kế và các biện pháp ngăn ngừa, với những giải pháp chủ động kiểm soát chất lượng từ trong giai đoạn thiết kế.
PGS.TS. Trần Chủng cho biết: Bê tông cốt thép là loại vật liệu tổ hợp được sử dụng rộng rãi nhất trong các công trình xây dựng trên thế giới (trên 80% các công trình xây dựng, từ nhà ở riêng lẻ đến các công trình đặc biệt đều sử dụng kết cấu bê tông cốt thép). Khoa học công nghệ phát triển đã tạo ra những cơ hội mới để thay đổi các tính năng của bê tông, làm đa dạng hóa khả năng ứng dụng cho các dạng kết cấu khác nhau, nhưng các vết nứt - dấu hiệu của sự hư hỏng công trình vẫn xuất hiện. Việc chẩn đoán các vết nứt như thế nào, đâu là nguyên nhân đích thực và cách chủ động phòng ngừa nứt kết cấu bê tông cốt thép vẫn luôn là một thách thức đối với các nhà khoa học.
Quang cảnh Hội thảo
PGS.TS. Trần Chủng nêu ra các nguyên nhân gây nứt bê tông thường gặp trong công tác thiết kế, bao gồm: Sử dụng tiêu chuẩn, số liệu phục vụ thiết kế không đủ tin cậy; phương pháp thiết kế chưa tốt; bố trí cốt thép không hợp lý; không coi trọng giải pháp cấu tạo; chỉ định vật liệu thiết kế không phù hợp; năng lực và quy trình thực hiện thiết kế không đảm bảo và do quản lý và đánh giá chất lượng thiết kế trong giai đoạn sử dụng.
PGS.TS. Trần Chủng đánh giá, những công trình bê tông cốt thép kém chất lượng có nguyên nhân từ thiết kế thường có nguy cơ rất lớn khi xảy ra các hư hỏng, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Ngay cả khi không xảy ra sự cố sụp, đổ thì những hư hỏng có nguyên nhân từ thiết kế cũng rất khó sửa chữa, khắc phục. Có thể nói, những nguyên nhân gây ra hư hỏng cho công trình sử dụng kết cấu bê tông cốt thép là rất đa dạng và phổ biến. Do đó, yêu cầu hoàn thiện công tác quản lý chất lượng thiết kế, trước hết đối với kết cấu bê tông cốt thép đang là một đòi hỏi chính đáng của xã hội đối với đội ngũ những kỹ sư xây dựng, nhằm chủ động loại bỏ những lỗi xuất hiện ở giai đoạn thiết kế, giúp nâng cao năng lực, sự hiểu biết và đạo đức của người làm nghề. Đây là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, mang lại sự phát triển bền vững cho đất nước.
Tham dự hội thảo, các chuyên gia đến từ Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Viện Kỹ thuật xây dựng và công nghệ xây dựng Hàn Quốc, trường Đại học Giao thông vận tải, trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, công ty Proceq S.A Thụy Sỹ đã trình bày nhiều tham luận liên quan đến lĩnh vực thí nghiệm, kiểm định và quan trắc công trình xây dựng, như: “Thực trạng về công tác quan trắc công trình xây dựng ở Việt Nam - các đề xuất và kiến nghị; Đánh giá năng lực của phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng thông qua kết quả thử nghiệm thành thạo; đề xuất giải pháp quan trắc độ võng hệ dầm chuyển kết cấu thép; theo dõi thường xuyên cầu nhịp lớn dựa trên kết quả đo dao động; Nâng cao chất lượng hàn nối cọc bằng công nghệ hàn tự động; Khảo sát đánh giá chất lượng bê tông bằng thiết bị siêu âm mảng pha.
Trần Đình Hà