Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã liên tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Hai nước đã triển khai hợp tác nhiều dự án ODA quy mô lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, của Việt Nam và các dự án đã được đưa vào khai thác hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, điển hình là 03 dự án hạ tầng lớn ở Thủ đô Hà Nội là Dự án Cầu Nhật Tân, Dự án đường nối cầu Nhật Tân với sân bay quốc tế Nội Bài, Dự án nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cũng cho biết, trong nhiều năm qua, quan hệ hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT không ngừng phát triển và mở rộng. Hai bên đã hợp tác trao đổi đoàn các cấp, tổ chức Hội nghị Việt – Nhật theo định kỳ nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, phát triển đô thị sinh thái, phát triển nguồn nhân lực... Hai bên cũng đã quan tâm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp bao gồm: hợp tác nghiên cứu chuẩn bị cho dự án phát triển đô thị sinh thái (eco-city) tại Việt Nam; thí điểm sử dụng thành công công nghệ khoan kích ống ngầm của Nhật Bản tại một số công trình xây dựng của Việt Nam như: Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn I tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; Dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại TP HCM; Dự án xử lý nước thải Yên Xá - Hà Nội.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên trong việc triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật do JICA Nhật Bản tài trợ, góp phần tích cực giúp Bộ Xây dựng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn, quản lý chi phí, quản lý hợp đồng, an toàn và chất lượng công trình xây dựng. Hai Bộ đã quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Biên bản hợp tác về đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực xây dựng nhằm giám sát và nâng cao chất lượng chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật Bản và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
Đoàn chủ tọa Hội nghị
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm hợp tác giữa hai Bộ nhằm tăng cường phát triển quan hệ hợp tác ngành Xây dựng Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới, đó là:
- Hợp tác nghiên cứu, làm rõ mô hình cơ chế chính sách quản lý đầu tư xây dựng, bao gồm quản lý hành nghề xây dựng, vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, quản lý chi phí xây dựng;
- Trao đổi giải pháp công nghệ xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng;
- Hợp tác phát triển đô thị bền vững;
- Hợp tác phát triển nguồn nhân lực, bao gồm nguồn nhân lực cho ngành xây dựng, phát triển nguồn nhân lực xây dựng có tay nghề cao.
Các đại biểu dự Hội nghị đã nghe đại diện các cơ quan chức năng Bộ MLIT Nhật Bản chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý nhà nước ngành Xây dựng, Luật Kenchikushi (quy định về cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư ở Nhật Bản) và một số các luật có liên quan khác của Nhật Bản về thiết kế công trình và quản lý xây dựng và hệ thống Kỹ sư tư vấn liên quan đến vận hành và quản lý công trình. Các tham luận của Bộ MLIT Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng và an toàn tại các công trường xây dựng. Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện của 4 công ty Nhật Bản giới thiệu về công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng của Nhật Bản như phương pháp thi công cọc ép với máy ép cọc không có tiếng ồn; Panel làm từ hạt cao su của lốp xe phế thải; công nghệ sinh thái có khả năng tái chế pin phế thải…
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản đã có cuộc gặp gỡ để trao đổi hợp tác trong Chương trình Kết nối mạng lưới doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam, tạo cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ninh Hạnh