Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng)- PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến bày tỏ sự cám ơn Chính phủ Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan đã tài trợ cho Hội thảo này, đồng thời cho biết, trong hơn 30 năm qua, Phần Lan đã giành nhiều sự quan tâm hỗ trợ, tài trợ cho sự phát triển của ngành nước Việt Nam, góp phần cải thiện việc cung cấp nước sạch, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn của Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết, nước có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống và là một loại hàng hóa đặc biệt và cần được bảo vệ. Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ nguồn nước – Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị…. Trong lĩnh vực cấp nước, Nghị định số 177/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch là văn bản pháp lý cao quản lý và điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe, đời sống và phát triển kinh tế, cùng với nhiều vấn đề mà thực tiễn đặt ra như xã hội hóa lĩnh vực cấp nước để thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội để phát triển ngành nước; vận hành ngành nước theo cơ chế thị trường; đảm bảo an ninh nước sạch…đòi hỏi cần phải ban hành Luật Cấp nước - văn bản có tính pháp lý cao nhất như kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai sẽ được các chuyên gia Phần Lan chia sẻ tại Hội thảo.
Tham tán thương mại Đại sứ quán Phần Lan Annika Kaipola phát biểu chào mừng Hội thảo
Nội dung thứ 2 của Hội thảo liên quan đến điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước, Cục trưởng Nguyễn Hồng Tiến cho biết: Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1929 ngày 20/11/2009. Qua 07 năm thực hiện, lĩnh vực cấp nước đã phát triển và đạt được những thành tựu, phần lớn các mục tiêu đặt ra đến năm 2015 đều hoàn thành, nhiều giải pháp đã được tổ chức triển khai thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên sự phát triển của kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa và đặc biệt là biến đổi khí hậu có diễn biến ngày càng phức tạp có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cung cấp nước sạch đòi hỏi phải điều chỉnh một số chỉ tiêu trong Định hướng cho phù hợp; giải pháp triển khai thực hiện cần cụ thể hơn, đề xuất nghiên cứu các công nghệ mới trong xử lý nước sạch tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, chi phí thấp; đề xuất các chính sách mới thúc đẩy ngành nước phát triển hướng tới cấp nước an toàn và bền vững.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bà Annika Kaipola vui mừng trước những kết quả của quan hệ hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam trong lĩnh vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, góp phần cải thiện đời sống của người dân Việt Nam.
Theo Bà Kaipola, việc xây dựng Luật Cấp nước sẽ là bước đi quan trọng của sự phát triển ngành nước Việt Nam. Chính phủ Phần Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực quan trọng của Việt Nam về đảm bảo cấp nước thường xuyên, liên tục và an toàn cho mọi người dân. Luật Cấp nước sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện được các mục tiêu đó. Trong quá trình dự thảo Luật Cấp nước, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế là rất quan trọng, chính vì vậy, Đại sứ quán Phần Lan đã mời nhiều chuyên gia đến từ các nước tham gia Hội thảo này để chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế với Hội thảo.
Tại Hội thảo, tham luận của Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng về sự cần thiết xây dựng Luật Cấp nước và đề xuất một số vấn đề trọng tâm cần đưa vào Luật này đã nhận được sự hưởng ứng và quan tâm của đông đảo các đại biểu tham dự.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo ý kiến phát biểu của đại diện Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, các văn bản pháp quy hiện hành trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch tạo hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp cấp nước hoạt động hiệu quả hơn, tuy nhiên, các văn bản đó chưa đủ tầm để giải quyết các phát sinh trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, cụ thể là chưa thể hiện rõ chính sách phát triển nước sạch ở tầm quốc gia với cam kết của Nhà nước đối với các chủ thể tham gia, chưa đề cập việc bảo vệ, phát triển nguồn nước và điều tiết nguồn nước sạch liên vùng, chưa đề cập thị trường cung cấp nước sạch với các chủ thể tham gia ngày càng đa dạng.
Một số vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là trong Luật Cấp nước phải thể hiện được quan điểm nước là hàng hóa và dịch vụ cấp nước phải thực hiện theo cơ chế thị trường để có thể thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia phát triển dịch vụ cung cấp nước sạch cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp cấp nước đầu tư đổi mới công nghệ. Các đại biểu tham dự cũng đồng tình với các đề xuất điều chỉnh Định hướng cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 mà Cục Hạ tầng kỹ thuật đã dự thảo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã trình bày tham luận về kinh nghiệm nước ngoài trong việc xây dựng Luật Cấp nước của các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Estonia. Theo các chuyên gia quốc tế, việc xây dựng Luật Cấp nước là cần thiết nhằm tạo lập một thể chế pháp lý về dịch vụ cấp nước, bao gồm các quy định về chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của các nhà cung cấp dịch vụ, quy định về chất lượng cấp nước nhằm bảo đảm việc cấp nước ổn định, an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ lợi ích của các khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến bày tỏ cám ơn các đại biểu đại diện các Bộ, ngành, các Sở Xây dựng địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nước, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng đồng hành với Bộ Xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật trong việc xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thể chế liên quan trong thời gian qua. Thông qua Hội thảo này, Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tổng kết, đánh giá và tiếp thu các tham luận cũng như các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các đại biểu để nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật Cấp nước cũng như dự thảo điều chỉnh Định hướng cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Minh Tuấn