Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu cho những báo cáo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, bao gồm: Báo cáo phân tích tổng quan và toàn diện về khung chính sách, pháp luật hiện hành về phát triển đô thị; Báo cáo đánh giá thực trạng phát triển đô thị Việt Nam thông qua việc phân tích kết quả điều tra, khảo sát đa ngành tại các đô thị được lựa chọn; Báo cáo rà soát những kinh nghiệm quốc tế về chính sách, chiến lược phát triển đô thị quốc gia, vùng lãnh thổ để tìm ra những bài học cụ thể, có thể áp dụng được tại Việt Nam; Báo cáo dự thảo đề cương phát triển Chiến lược trong giai đoạn tiếp theo.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Tường Văn cho biết: Từ cuối những năm 1990, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm và ban hành khung pháp lý nhằm hướng dẫn, điều tiết và kiểm soát quá trình phát triển đô thị: Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch chung Phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020. Sau đó là việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị, Nghị định về phân loại đô thị, Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị và nhiều quy hoạch, chương trình, chiến lược phát triển đô thị.
Theo TS. Nguyễn Tường Văn, những năm gần đây, khung pháp lý liên quan đến phát triển đô thị đã từng bước được hoàn thiện và trở thành công cụ quản lý phát triển đô thị hữu hiệu cho các cơ quan chức năng trong việc điều tiết các lĩnh vực quản lý nhà nước về đô thị: Từ quy hoạch đô thị, thực hiện quy hoạch đô thị, phân loại đô thị, quản lý đầu tư phát triển đô thị cho đến phát triển đô thị bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, từ nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị đến nhà ở cho người dân, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nâng cấp các khu nghèo trong đô thị.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong lĩnh vực phát triển đô thị ở Việt Nam còn có nhiều bất cập: Sự phối hợp và liên kết giữa các địa phương, giữa các vùng và khu vực trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch đô thị còn chưa hiệu quả, khó khăn trong dự báo tốc độ đô thị hóa… Những khó khăn này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải chủ động hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương.
Theo ông Nguyễn Tường Văn, nhờ sự hỗ trợ về nguồn lực cũng như về chuyên môn của Liên minh Các thành phố, sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức và các chuyên gia trong nước và quốc tế, Bộ Xây dựng đã đề xuất và triển khai thực hiện xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây được coi là một công cụ giúp Chính phủ Việt Nam tăng cường kiểm soát công tác phát triển đô thị, tạo tiền đề, cơ sở lý luận phục vụ các quyết định về phát triển đô thị trong tương lai, thu hẹp khoảng cách giữa các mục tiêu phát triển nêu trong Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam.
Dự án xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia, giai đoạn I bao gồm các nội dung chính như sau: Thực hiện các công tác rà soát, cập nhật, bổ sung dữ liệu đô thị, phân tích thực trạng phát triển đô thị cả nước, phân tích khung chính sách, pháp lý về phát triển đô thị, nghiên cứu đưa ra các mục tiêu chính làm cơ sở cho việc xây dựng dự án giai đoạn tiếp theo.
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Tường Văn cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án Phát triển đô thị thích ứng và bền vững do ADB tài trợ. Trong đó, bao gồm giai đoạn II - giai đoạn hoàn thành việc xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
Sau Hội thảo, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp từ những nghiên cứu, những đóng góp của các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện các Báo cáo làm cơ sở cho việc xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia trong giai đoạn tiếp theo, với mục tiêu là hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển đô thị, góp phần phát triển đô thị bền vững, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội của hệ thống đô thị Việt Nam, qua đó nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân.
Trần Đình Hà - Hoàng Hạnh